Liên hệ tư vấn

Bệnh Glôcôm là gì? Dấu hiệu của người mắc Glôcôm

Glôcôm là nguyên nhân gây mù loà thường gặp thứ hai sau bệnh đục thể thủy tinh. Bệnh thường được gọi là “Kẻ đánh cắp” thị lực thầm lặng bởi nó có thể âm thầm gây mất thị trường và thị lực mà không có khả năng phục hồi. Bệnh có thể gặp với tỷ lệ khoảng 3% ở những người trên 40 tuổi. 

1. Bệnh Glôcôm là gì ? Hiểu về bệnh Glôcôm

Glôcôm đặc trưng bởi sự chết dần của tế bào hạch võng mạc (khởi nguồn của thần kinh thị giác để dẫn tín hiệu hình ảnh từ mắt về não bộ) dưới ảnh hưởng của nhãn áp cao, dao động nhãn áp hoặc thiểu năng tuần hoàn do bệnh lý mạch máu. 

Thị trường (khoảng nhìn) sẽ bị mất dần: phía ngoài bị ảnh hưởng trước, tiếp đến sẽ là vùng trung tâm, giống như một cửa sổ trước mắt đang từ từ bị khép lại. 

Đa số các trường hợp mắc bệnh đều tiến triển chậm và bệnh nhân thường không biết tình trạng mất dần thị trường của mình cho đến khi thị lực bị suy giảm ở mức đáng kể. 

2. Dấu hiệu của bệnh Glôcôm

Bệnh Glôcôm có thể không có dấu hiệu rõ ràng cho đến khi mất thị lực. Các dấu hiệu mà bạn có thể gặp: 

  • Đột ngột giảm hoặc mất thị giác một bên 
  • Nhìn mờ dần dần 
  • Nhìn đèn thấy quầng sáng xanh đỏ 
  • Tầm nhìn bị mất một vùng hoặc thu hẹp như nhìn qua ống 
  • Nhìn mờ, nhức mắt, đỏ mắt, kèm đau đầu, chóng mặt, buồn nôn và nôn.

3. Các loại bệnh Glôcôm

Glôcôm góc-mở: Thường bị cả 2 mắt và không có triệu chứng rõ rệt, người bệnh chỉ phát hiện ra khi mắt đã nhìn mờ và thị trường thu hẹp nhiều.

Glôcôm góc-đóng (cấp tính): Có biểu hiện cấp tính: đau mắt dữ dội, mờ mắt, đỏ mắt, đau đầu và buồn nôn. Cần được điều trị cấp cứu.

Glôcôm bẩm sinh: Hiếm gặp. Trẻ sơ sinh có giác mạc lớn và mờ đục, sợ ánh sáng, chảy nước mắt; trẻ cần được thăm khám với bác sĩ nhãn khoa để phát hiện và điều trị kịp thời.

Glôcôm thứ phát: Do các bệnh lý khác gây ra như viêm mắt, khối u trong mắt, sau phẫu thuật mắt, chấn thương mắt hoặc đục thể thủy tinh ở các giai đoạn muộn, cũng có thể do sử dụng thuốc không phù hợp.

  • Glôcôm là bệnh có thể đưa đến giảm thị lực và mù lòa cho mắt. 
  • Phát hiện sớm Glôcôm có thể giúp phòng tránh mù lòa. 
  • Việc điều trị bệnh Glôcôm sớm trước khi bệnh tiến triển là rất quan trọng. 
  • Khám tầm soát định kỳ có thể giúp phát hiện sớm bệnh Glôcôm. 

4. Ai là người có nguy cơ mắc Glôcôm?

Von1693377988 4128

Bạn có nguy cơ bị Glôcôm nếu bạn: 

  • Trên 40 tuổi 
  • Có người trong gia đình bị bệnh Glôcôm 
  • Tăng nhãn áp bất thường 
  • Bị bệnh tăng huyết áp 
  • Bị cận thị hoặc viễn thị 
  • Bị chấn thương mắt, đã có phẫu thuật mắt hoặc bị viêm mắt mãn tính 
  • Dùng thuốc steroid/cortisone thường xuyên và kéo dài, bao gồm corticoid uống (Medrol điều trị các bệnh viêm khớp, tự miễn,...) và tra (Collydexa, Tobradex,... tự dùng khi ngứa, đỏ mắt).  

Mọi người đều cần quan tâm đến Glôcôm và các ảnh hưởng của nó. Điều quan trọng với mỗi chúng ta là nên thực hiện việc kiểm tra mắt định kỳ vì việc phát hiện và điều trị sớm bệnh Glôcôm là cách duy nhất để ngăn chặn tình trạng mất thị lực và mù lòa. 

Bệnh Glôcôm được khám và chẩn đoán như thế nào?

Bác sĩ nhãn khoa có các dụng cụ và thiết bị chẩn đoán khác nhau để hỗ trợ trong việc xác định bệnh nhân có bị bệnh Glôcôm hay không ngay cả khi bệnh nhân chưa có bất kỳ triệu chứng gì. 

Khi khám mắt tổng quát, Bác sĩ tại Hệ thống Alina Vision Việt Nam sẽ: 

  • Khám trên sinh hiển vi và soi đáy mắt: Quan sát các cấu trúc mắt với độ phóng đại cao, đánh giá tính trạng đầu dây thần kinh thị giác 
  • Đo nhãn áp: đo áp lực trong nhãn cầu của bệnh nhân 
  • Đo thị trường: Kiểm tra thị trường nhằm đánh giá khoảng nhìn của bệnh nhân 
  • Chụp cắt lớp võng mạc – OCT: đánh giá cấu trúc lớp tế bào thần kinh của võng mạc hoàng điểm, gai thị 
  • Soi góc tiền phòng: kiểm tra vùng lưu thông thủy dịch trong mắt, chẩn đoán phân biệt glôcôm góc đóng và góc mở 

5. Glôcôm được điều trị như thế nào?

Hiện tại bệnh chưa có cách điều trị triệt để, chỉ có thể kiểm soát để làm chậm tiến triển của bệnh, do đó việc phát hiện sớm, khám và theo dõi định kỳ với bác sĩ nhãn khoa là rất quan trọng. 

Tuỳ thuộc vào loại Glôcôm mà có thể chỉ định sử dụng thuốc (thuốc nhỏ hoặc thuốc uống), điều trị bằng Laser hoặc phẫu thuật. 

Theo dõi và kiểm soát bệnh Glôcôm tại Alina:

Để thuận tiện và tiết kiệm chi phí trong quá trình theo dõi điều trị Glôcôm, bạn có thể tham khảo sử dụng “Thẻ theo dõi bệnh lý nhãn khoa mãn tính” tại Bệnh viện chuyên khoa mắt Alina. Khám mắt không giới hạn số lần khám, làm các xét nghiệm cần thiết theo chỉ định của bác sĩ bao gồm: 

  • Đo thị lực – khúc xạ 
  • Đo huyết áp, theo dõi nhãn áp 
  • Chẩn đoán hình ảnh (chụp cắt lớp OCT, thị trường Humphrey, chụp đáy mắt màu, chụp góc tiền phòng, đo độ dày giác mạc,…) theo chỉ định của bác sĩ nhãn khoa 
  • Soi đáy mắt, soi góc tiền phòng 
  • Thăm khám mắt bằng kính sinh hiển vi và tư vấn bởi bác sĩ nhãn khoa 
  • Trong trường hợp cần thiết: Hội chẩn với các chuyên gia tại các bệnh viện hàng đầu thế giới: Bệnh viện John Hopkins (Mỹ), Bệnh viện mắt quốc gia Singapore, Bệnh viện mắt Aravind (Ấn Độ). 
Duc1693366765 0305

Các lưu ý và hướng dẫn dành cho bệnh nhân Glôcôm 

Tình trạng nhãn áp bình thường sau khi điều trị cho thấy tình trạng bệnh đã được kiểm soát chứ không phải đã được chữa khỏi. Vì vậy, người bệnh vẫn cần tiếp tục sử dụng thuốc hoặc điều trị theo chỉ định của bác sĩ nhãn khoa. 

Bệnh nhân Glôcôm sẽ không thấy hoặc cảm thấy được rõ ràng sự cải thiện nào khi bắt đầu điều trị do tổn thương của bệnh là không thể phục hồi. Mục đích của việc điều trị là làm chậm tiến triển và bảo tồn thị lực còn lại. 

Việc tái khám đúng hẹn rất quan trọng để bác sĩ có thể theo dõi và giữ tình trạng Glôcôm của bạn ổn định. Tái khám thường xuyên cũng là cách để biết việc điều trị có hiệu quả hay không. 

Bài viết liên quan