Đục thủy tinh thể có thể dẫn đến mù lòa? Dấu hiệu của đục thủy tinh thể
Đục thể thuỷ tinh là nguyên nhân gây mù loà phổ biến nhất trên thế giới. Có khoảng 25 đến 50 triệu người trên toàn cầu có thị lực dưới 1/20 là do đục thể thuỷ tinh.
1. Đục thuỷ tinh thể là gì?
Đục thủy tinh thể hay còn được gọi là cườm khô, là một tình trạng bệnh về mắt phổ biến xảy ra khi thủy tinh thể (một cấu trúc trong suốt và đàn hồi nằm phía sau đồng tử) bị mờ đục.
2. Nguyên nhân của đục thủy tinh thể
Đục thủy tinh thể (cườm đá, cườm khô) là căn bệnh thường gặp do bẩm sinh, lão hóa theo tuổi tác hoặc tác động từ môi trường lao động, chấn thương, ảnh hưởng của tia cực tím, phóng xạ, các bệnh lý toàn thân, tác dụng phụ của một số loại thuốc,… Đục thủy tinh thể liên quan tới tuổi tác chiếm tới 99%.

3. Các triệu chứng của đục thủy tinh thể
Đục thủy tinh thể không gây đau đớn và thường không gây ra những thay đổi đáng chú ý trong giai đoạn đầu. Khi bệnh đến giai đoạn nặng hơn thấy các triệu chứng biểu hiện bệnh như:
- Nhìn xa mờ, có mây hoặc màn sương che trước mắt
- Phải đổi kính nhìn xa thường xuyên
- Khả năng nhìn gần rõ trở lại sau một thời gian dài nhìn gần mờ
- Khó nhìn vào ban đêm hoặc trong điều kiện ánh sáng yếu
- Mỏi mắt khi tập chung nhìn vào một vật
- Nhạy cảm với ánh sáng chói, hay lóa mắt
- Thấy các quầng sáng xung quanh nguồn sáng
- Rối loạn sắc giác, hình ảnh trở nên nhạt hơn hoặc hơi ngả vàng, nâu
4. Ảnh hưởng của đục thủy tinh thể
Đục thủy tinh thể thường phát triển theo thời gian và cản trở ánh sáng đi vào mắt, ảnh hưởng đến khả năng nhìn rõ. Nếu không được điều trị, đục thủy tinh thể có thể dẫn đến mù lòa. Cả hai mắt có thể bị ảnh hưởng, mặc dù thường không ở mức độ giống nhau. Thị lực giảm khiến khả năng sinh hoạt hàng ngày của người bệnh trở nên kém hiệu quả, đặc biệt là trong các hoạt động yêu cầu sự chính xác cao. Người bệnh dễ bị va đập, vấp ngã, việc lái xe trở nên nguy hiểm hơn, ngoài ra có thể gây cảm giác chán nản, mất tự tin, dẫn tới căng thẳng tâm lý.
Đục thủy tinh thể ở mức độ nặng có thể gây biến chứng như tăng nhãn áp, viêm màng bồ đào. Ngoài ra, đục thủy tinh thể còn gây khó khăn trong việc khám và theo dõi, kiểm soát bệnh lý đáy mắt, như bệnh võng mạc do đái tháo đường, tăng huyết áp, thoái hóa hoàng điểm tuổi già,...

Đục thủy tinh thể có thể dẫn đến mù lòa
4. Điều trị đục thủy tinh thể
Cho đến nay chưa có loại thuốc nào chữa khỏi đục thuỷ tinh thể. Các triệu chứng ở giai đoạn đầu thường có thể được kiểm soát bằng cách thay kính hoặc thuốc bổ sung vitamin ngăn ngừa quá trình thoái hóa. Sau đó người bệnh cần khám mắt định kỳ để theo dõi sự tiến triển của bệnh, từ đó có phương pháp điều trị phù hợp.
Phẫu thuật đục thủy tinh thể rất cần thiết khi thị lực ngày càng suy giảm. Tuy nhiên, người bệnh không cần phải đợi đến lúc đó mới được loại bỏ đục thủy tinh thể. Đối với một số người, những thay đổi nhỏ về thị lực như mất độ nhạy tương phản có thể ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống và công việc (ví dụ: tham gia vào các sở thích liên quan đến chi tiết nhỏ như dệt may, đồ họa hoặc nhiếp ảnh,... ).
Đục thủy tinh thể có thể được điều trị bằng cách thay thế thủy tinh thể bị rối loạn chức năng bằng một thủy tinh thể nhân tạo - được gọi là kính nội nhãn (IOL).
Tại bệnh viện Mắt Alina, bệnh nhân được khám và tư vấn cùng một trong những chuyên gia về bệnh đục thủy tinh thể. Quá trình khám trước phẫu thuật sẽ mất từ 1 đến 2 giờ bao gồm:
- Đo thị lực và khúc xạ, đo nhãn áp đánh giá chức năng mắt
- Khám mắt kỹ lưỡng bằng kính sinh hiển vi để chẩn đoán xác định bệnh, giai đoạn cũng như biến chứng và các bệnh kèm theo
- Thảo luận về loại thủy tinh thể nhân tạo thay thế nào phù hợp nhất với nhu cầu và tình trạng của bệnh nhân, cũng như những lợi ích và nguy cơ của phẫu thuật
- Lên lịch phẫu thuật. Đục thủy tinh thể ở hai mắt thường không được loại bỏ cùng một lúc - các ca phẫu thuật được thực hiện cách nhau từ một tuần trở lên để giúp quá trình hồi phục vết mổ
- Cung cấp thông tin chi phí chi tiết cho thủ thuật, bao gồm chi phí tự chi trả và chi phí được bảo hiểm y tế chi trả
- Đo đạc công suất thủy tinh thể nhân tạo bằng máy IOL master
- Kiểm tra các chỉ số toàn thân trước phẫu thuật để đảm bảo phẫu thuật an toàn, bao gồm mạch, huyết áp, công thức máu, đường máu, sinh hóa nước tiểu,...
Phẫu thuật Phacoemulsification (viết tắt là phaco) hiện là phương pháp duy nhất để điều trị bệnh đục thủy tinh thể. Tại Bệnh viện Mắt Alina, phẫu thuật của bệnh nhân đục thuỷ tinh thể sẽ được thực hiện với đầy đủ trang thiết bị hiện đại. Các hoạt động chính diễn ra trong phòng mổ mất chưa đầy 30 phút.

5. Một số lời khuyên của bác sĩ sau phẫu thuật đục thủy tinh thể
Người bệnh có thể tiếp tục các hoạt động hàng ngày 24 giờ sau khi phẫu thuật đục thủy tinh thể, nhưng có một số lưu ý quan trọng. Bao gồm:
- Không hoạt động quá sức trong vài tuần. Tránh tập thể dục và nâng vật nặng.
- Tránh cúi đầu, khi ngủ cần nằm ngửa hoặc nghiêng về bên không mổ
- Không nên lái xe. Hãy tái khám và bác sĩ sẽ cho bạn biết khi nào là an toàn để bạn có thể tiếp tục lái xe.
- Tránh xa các khu vực có nhiều bụi, vì mắt sẽ rất nhạy cảm sau khi phẫu thuật.
- Sử dụng kính bảo hộ khi ra ngoài trời.
- Không dụi mắt để tránh bị nhiễm trùng và ảnh hưởng tới vết mổ.
- Không bơi lội hoặc tắm bồn nước nóng trong một tuần sau khi phẫu thuật.
- Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi trang điểm vùng mắt.