Liên hệ tư vấn

Sa da mi (thừa da mi) là gì? Khi nào nên phẫu thuật sa da mi

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi ThS.BS Phạm Chu Long Gia – Bác sĩ Nhãn khoa, Bệnh viện Mắt Alina.

Sa da mi (thừa da mi) là một tình trạng mắt thường gặp ở người cao tuổi. Bệnh có thể làm ảnh hưởng tới tầm nhìn và gây mất thẩm mỹ cho khuôn mặt. Lúc này, bác sỹ có thể phẫu thuật cắt da mi thừa để giúp đôi mắt trẻ trung, linh hoạt hơn. Hãy cùng Bệnh viện Mắt Alina tìm hiểu về nguyên nhân của sa da mi, phương pháp phẫu thuật và chỉ định điều trị.

Sa 1719387318 9381

Tìm hiểu về sa da mi (thừa da mi)

1. Sa da mi (thừa da mi) là gì?

Sa da mi là tình trạng mi mắt (bao gồm cả mi trên và mi dưới) sa trễ xuống dưới quá thấp, tạo thành nếp da mi thừa.

Nguyên nhân chính là do quá trình lão hóa làm giảm sức đàn hồi của da và cơ vòng mi, khiến mi mắt bị chùng, nhão. Bệnh thường không ảnh hưởng đến thị lực, tuy nhiên khi da mi trên bị chùng xuống quá nhiều, giác mạc sẽ bị che lấp, làm người bệnh bị giảm một phần vùng nhìn. Ngoài ra, cảm giác nặng mi và dễ buồn ngủ cũng thường gặp.

Sa 1719387319 2959

Hai mắt sa da mi trên

2. Phương pháp điều trị sa da mi (thừa da mi)

Hiện nay, phẫu thuật là phương pháp duy nhất để điều trị bệnh, được chỉ định khi sa da mi ảnh hưởng tới chức năng và thẩm mỹ mắt, bao gồm:

  • Sa da mi trên, gây giả sụp mi, làm giảm tầm nhìn;
  • Sa da mi trên làm che lấp nếp mi tự nhiên/ ban đầu;
  • Sa da mi trên kèm theo nhiều nếp nhăn mi;
  • Sa da mi trên hoặc dưới kèm theo bọng mỡ mi mắt lớn.

3. Quy trình phẫu thuật sa da mi (thừa da mi)

Quy trình phẫu thuật bao gồm các công đoạn chính như sau:

  • Đánh dấu vị trí cắt da tại nếp mi sẵn có của người bệnh, đánh dấu lượng da mi thừa;
  • Gây tê tại chỗ bằng tiêm dưới da;
  • Rạch da mi toàn bộ chiều dài mi trên theo đánh dấu;
  • Tách da mi và kéo mép da xuống dưới. Cắt bỏ da mi thừa;
  • Phối hợp cắt bớt mỡ thừa;
  • Khâu da bằng chỉ.

Tuy nhiên, phẫu thuật không thể thực hiện được nếu người bệnh đang có viêm nhiễm cấp tính ở mắt hoặc vùng mặt, hoặc có tình trạng bệnh lý toàn thân không cho phép (tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn đông máu,…). Các biến chứng của phẫu thuật có thể gặp bao gồm hở mi, lật mi, nhiễm trùng,… Do đó, người bệnh cần được thăm khám và tư vấn cẩn thận bởi bác sĩ chuyên khoa trước khi quyết định tiến hành phẫu thuật.

Sa 1719387319 1202

Sơ đồ phẫu thuật sa da mi

4. Đối tượng nên thực hiện phẫu thuật sa da mi

  • Là mắt một mí, mí lót (đường nếp mí quá thấp), nếp mí nông, mí mắt dày có nhiều da, cơ và mỡ.
  • Da mỡ thừa che khuất đường nếp mí tự nhiên của mắt
  • Mi mắt có nhiều da thừa và nếp nhăn
  • Mi mắt có nhiều da thừa và nhiều bọng mỡ

5. Những điều cần lưu ý sau phẫu thuật sa da mi

  • Giữ đầu luôn ở tư thế cao trong những ngày đầu và chườm bằng gạc tẩm nước lạnh để giảm sưng nề và bầm tím (từ ngày thứ 3 có thể thực hiện chườm ấm).
  • Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, đeo kính râm hoặc dùng kem chống nắng.
  • Tránh để mắt làm việc quá mức, xem tivi, đọc sách hoặc hút thuốc.
  • Không trang điểm vùng mắt trong 2 tuần đầu tiên, sau khi cắt chỉ.
  • Tái khám mắt định kỳ sau phẫu thuật một tháng, 6 tháng, một năm để theo dõi các biến chứng nếu có.

Bệnh viện Mắt Alina là một trong những bệnh viện đảm bảo chất lượng hàng đầu trong phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ mi mắt. Quý khách có nhu cầu vui lòng liên hệ tới Bệnh viện Mắt Alina tại địa chỉ MMS 10-11-12, Khu biệt thự Mimosa, Ecopark, Hưng Yên để thăm khám hoặc Hotline 0866.224.883 để được hỗ trợ thông tin chi tiết.

Bài viết liên quan