Tìm hiểu mối tương quan giữa bệnh đái tháo đường và đục thủy tinh thể
Đục thủy tinh thể là một trong những nguyên nhân chính gây mù lòa trên toàn cầu hiện nay. Đặc biệt, đái tháo đường là căn bệnh rối loạn chuyển hóa gây đục thủy tinh thể phổ biến nhất trên lâm sàng. Thống kê ở Mỹ cho thấy 24,9% bệnh nhân đái tháo đường typ II có phẫu thuật thủy tinh thể trong 10 năm.
Số liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cho thấy, hơn 32% người trên 45 tuổi khi bị đục thủy tinh thể có liên quan đến tiểu đường. Hãy cùng Bệnh viện mắt Alina đi vào tìm hiểu mối tương quan giữa đái tháo đường và đục thủy tinh thể để giúp bạn phòng ngừa và điều trị bệnh hiệu quả.

Mối tương quan giữa đái tháo đường và đục thủy tinh thể
Tổng quan về bệnh đái tháo đường và đục thủy tinh thể
Bệnh đái tháo đường hay còn gọi là tiểu đường, là một nhóm các rối loạn chuyển hóa mãn tính đặc trưng bởi mức đường huyết cao bất thường. Đái tháo đường có ba loại chính:
- Đái tháo đường typ 1: khi hệ thống miễn dịch tấn công và phá hủy các tế bào sản xuất Insulin trong tuyến tụy;
- Đái tháo đường typ 2: xảy ra khi cơ thể giảm nhạy cảm với Insulin hoặc tuyến tụy bị suy giảm chức năng, không sản xuất đủ insulin;
- Đái tháo đường thai kỳ: xuất hiện trong thai kỳ và thường biến mất sau khi sinh nhưng có thể dẫn đến nguy cơ bị tiểu đường typ 2 trong tương lai cho người bệnh.
Thủy tinh thể là một cấu trúc trong suốt nằm phía sau đồng tử, có nhiệm vụ tập trung ánh sáng vào võng mạc để tạo ra hình ảnh rõ nét. Đục thủy tinh thể là tình trạng thủy tinh thể trở nên mờ đục, mất tính trong suốt, ánh sáng không thể đi qua dẫn đến việc thị lực bị giảm sút, thậm chí dẫn đến mù lòa nếu không được điều trị.
Đái tháo đường và đục thủy tinh thể có mối liên quan chặt chẽ với nhau, khi biến chứng của bệnh đái tháo đường có thể ảnh hưởng đến nhiều hệ cơ quan trong cơ thể, bao gồm tim, thận, mắt và hệ thần kinh. Trong đó, bệnh đái tháo đường có thể gây ra đục thủy tinh thể do sự tích tụ các sản phẩm chuyển hóa.

Bệnh nhân bị đục thủy tinh thể
Nguyên nhân đái tháo đường dẫn đến đục thủy tinh thể
Tổn thương mạch máu
Bệnh tiểu đường có thể dẫn đến đục thủy tinh thể thông qua tổn thương mạch máu trong mắt, do sự tăng cao của lượng đường trong máu. Khi cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc không sử dụng insulin hiệu quả, lượng glucose không thể đi vào tế bào, dẫn đến việc glucose tích tụ trong máu và mức đường huyết cao.
Khi lượng đường trong máu cao và tồn tại trong một thời gian dài, nó có thể làm tổn thương các mạch máu nhỏ, bao gồm cả những mạch máu trong mắt. Tổn thương này gây ra rối loạn trong cung cấp dưỡng chất cùng oxy cho thủy tinh thể. Cùng lúc đó, glucose trong máu cao sẽ khuếch tán vào thủy dịch và thủy tinh thể. Một phần glucose sẽ được chuyển hóa thành sorbitol dưới tác động của các enzym.
Sorbitol làm cho thủy tinh thể hấp thụ nhiều nước và dần bị phồng lên, đồng thời làm các sợi thủy tinh thể xơ hóa, tăng tốc độ chết theo chương trình của tế bào. Các nguyên do này đã làm giảm dần độ trong suốt của thủy tinh thể và dần triển thành đục thủy tinh thể.
Những người mắc đái tháo đường và đục thủy tinh thể có mức glucose trong mắt cao hơn bình thường. Thêm vào đó, tuổi tác cũng góp phần làm cho tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn. Khi người lớn tuổi mắc bệnh đái tháo đường thì họ có nguy cơ bị đục thủy tinh thể cao gấp đôi, hoặc ba đến bốn lần so với người không bị đái tháo đường.
Dấu hiệu nhận biết đục thủy tinh thể do đái tháo đường
Dấu hiệu nhận biết đục thủy tinh thể do đái tháo đường thường phát triển từ từ, khiến bệnh nhân có thể không nhận thấy sự thay đổi thị giác ngay lập tức. Các triệu chứng của đục thủy tinh thể do đái tháo đường có thể bao gồm:
- Nhìn mờ: Mắt nhìn bị nhòe, không thể thấy rõ đồ vật.
- Nhìn gần rõ trở lại: Đục thủy tinh thể thường gây ra cận thị, do đó mắt đang nhìn gần kém do lão thị có thể nhìn rõ trở lại. Tuy nhiên, tình trạng này thường không kéo dài.
- Tầm nhìn bị cản trở: Cảm giác như có lớp màng hoặc sương mù che khuất tầm nhìn.
- Quầng sáng bất thường: Thấy quầng sáng tròn quanh các tia sáng.
- Lóa mắt: Cảm giác bị lóa khi nhìn vào ánh sáng chói.
- Rối loạn sắc giác: Hình ảnh xung quanh có màu vàng, ảnh hưởng đến khả năng phân biệt màu sắc.
Khi các triệu chứng này ngày càng nặng, thị lực sẽ suy giảm đáng kể, người bệnh cần điều trị kịp thời để ngăn ngừa mất hoàn toàn thị lực. Nếu đục thủy tinh thể gây ra suy giảm thị lực nghiêm trọng, phẫu thuật thay thế thủy tinh thể sẽ là điều cần thiết để phục hồi chức năng mắt.

Dấu hiệu nhận biết đục thủy tinh thể do đái tháo đường
Phòng ngừa, điều trị đục thủy tinh thể biến chứng từ đái tháo đường
Cách phòng tránh đục thủy tinh thể cho bệnh nhân đái tháo đường
Đối với bệnh nhân đái tháo đường, việc phòng tránh đục thủy tinh thể là rất quan trọng bởi nguy cơ mắc bệnh thường cao hơn so với các bệnh lý về mắt khác. Mặc dù hiện tại chưa có phương pháp phòng bệnh triệt để, người bệnh có thể thực hiện một số biện pháp để làm giảm thiểu nguy cơ. Đầu tiên, bệnh nhân nên thường xuyên kiểm tra lượng đường huyết, duy trì mức đường huyết ổn định.
Chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế thực phẩm làm tăng đường huyết cũng góp phần quan trọng trong việc kiểm soát bệnh. Ngoài ra, người bệnh cần hạn chế sử dụng rượu bia và các chất kích thích, duy trì thói quen thể dục thể thao thường xuyên, kiểm tra nhãn khoa định kỳ để giúp phát hiện sớm các vấn đề về mắt.
Bệnh nhân cũng nên chú ý đến các triệu chứng như chói sáng, mờ mắt hoặc nhìn lóa, vì đây có thể là dấu hiệu của việc bệnh đái tháo đường và đục thủy tinh thể đang phát triển.

Thực hiện ăn uống cùng chế độ sinh hoạt lành mạnh để phòng ngừa đái tháo đường và đục thủy tinh thể
Điều trị đục thủy tinh thể do đái tháo đường
Khi đục thủy tinh thể do đái thường đường còn ở giai đoạn đầu và chưa gây ảnh hưởng lớn đến thị lực, việc sử dụng kính có thể giúp giảm thiểu ánh sáng chói và cải thiện một phần thị lực. Đồng thời, việc điều chỉnh chế độ ăn uống và kiểm soát chặt chẽ mức đường huyết là rất quan trọng. Bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ nội khoa để lựa chọn các phương pháp điều trị đái tháo đường phù hợp, nhằm hạn chế tác động tiêu cực đến mắt và ngăn chặn sự tiến triển của đục thủy tinh thể.
Khi đục thủy tinh thể đã phát triển đến mức ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực, phẫu thuật thay thế thủy tinh thể là giải pháp hiệu quả. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân đái tháo đường cần được theo dõi kỹ lưỡng về đường huyết để phòng ngừa nhiễm trùng sau phẫu thuật. Ngoài ra, người bệnh cũng cần kiểm soát các biến chứng khác của đái tháo đường tại mắt như bệnh võng mạc đái tháo đường, tăng nhãn áp, khô mắt và các bệnh lý viêm nhiễm tại mi mắt.
Để nhận biết chính xác tình trạng mắt và phương pháp điều trị phù hợp, quý khách vui lòng liên hệ tới Bệnh viện Mắt Alina tại địa chỉ MMS 10-11-12, Khu biệt thự Mimosa, Ecopark, Hưng Yên để thăm khám hoặc liên hệ hotline 0866.224.883 để được hỗ trợ.