Liên hệ tư vấn

Viêm bờ mi: Nguyên nhân và phương pháp điều trị

Viêm bờ mi có thể xảy ra ở trẻ em và người lớn ở mọi lứa tuổi. Viêm bờ mi gây ra nhiều mức độ khó chịu và ảnh hưởng khác nhau, tùy theo mức độ của từng trường hợp.

1. Viêm bờ mi là gì?

Viêm bờ mi là tình trạng viêm ở mi mắt. Đây là một chứng rối loạn mắt mãn tính thường gặp do vi khuẩn hoặc tình trạng da, chẳng hạn như da dầu, nhiều gàu hoặc bệnh trứng cá đỏ. Khô mắt là một biến chứng thường gặp của viêm bờ mi.

  • Viêm bờ mi trước: điều này ảnh hưởng đến rìa ngoài của mí mắt, nơi gắn lông mi, thường gây sưng đáng kể
  • Viêm bờ mi sau: loại viêm bờ mi này xảy ra khi các tuyến dầu nhỏ (tuyến meibomian) của mí mắt bị rối loạn dẫn đến tắc nghẽn.

Nhiều người bị đồng thời cả viêm bờ mi trước và sau. Một số trường hợp có triệu chứng viêm bờ mi nhẹ trong khi những trường hợp khác nặng hơn. Viêm bờ mi thường ảnh hưởng đến cả hai mắt cùng một lúc.

2. Nguyên nhân nào gây ra viêm bờ mi?

Nguyên nhân chính xác của viêm bờ mi thường khó xác định rõ. Có một số yếu tố khác nhau liên quan đến sự phát triển của tình trạng bệnh:

  • Rối loạn chức năng tuyến meibomian
  • Do một số loại thuốc như thuốc kháng histamine và liệu pháp thay thế hormone
  • Dị ứng (dung dịch kính áp tròng, đồ trang điểm, một số loại thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ)
  • Bệnh trứng cá đỏ
  • Bọ ve lông mi (rận lông mi)
  • Viêm da tiết bã (da đầu và lông mày có gàu)
  • Thay đổi nồng độ estrogen như mãn kinh hoặc mang thai
  • Nhiễm khuẩn.
  • Viêm bờ mi có thể chỉ do một trong các yếu tố trên hoặc kết hợp nhiều nguyên nhân.

3. Các triệu chứng của viêm bờ mi là gì?

Viêm bờ mi gây ra nhiều mức độ khó chịu và ảnh hưởng khác nhau, tùy theo mức độ của từng trường hợp. Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến bao gồm:

  • Mi mắt đỏ, sưng hoặc ngứa
  • Da mi bong tróc hoặc đóng vảy
  • Cảm giác cộm vướng hoặc nóng rát mắt
  • Đỏ mắt
  • Nước mắt chảy ra nhiều
  • Lông mi mỏng hoặc dính
  • Nhạy cảm với ánh sáng
  • Nhìn mờ (thoáng qua, thường cải thiện khi chớp mắt)

Bệnh nhân nên đặt lịch hẹn với bác sĩ nhãn khoa ngay khi gặp bất kỳ triệu chứng nào nêu trên.

4. Ai là người có thể mắc viêm bờ mi?

2021680228484 9209

Viêm bờ mi có thể xảy ra ở trẻ em và người lớn ở mọi lứa tuổi.

5. Viêm bờ mi được chẩn đoán như thế nào?

Viêm bờ mi được chẩn đoán khá dễ dàng. Bác sĩ nhãn khoa thông thường sẽ thực hiện kiểm tra bằng kính hiển vi để quan sát mi mắt và lông mi của bệnh nhân. Các tuyến meibomian – nằm dọc theo mi mắt ngay bên trong lông mi – sẽ được quan sát và nén nhẹ để kiểm tra sự tiết dịch của chúng. Các tuyến meibomian khỏe mạnh tiết ra chất nhờn mỏng, trong khi các tuyến bị rối loạn hoạt động sẽ tiết ra chất nhờn dày hơn, hoặc trong trường hợp tồi tệ hơn là không tiết dầu do tắc nghẽn hoàn toàn.

6. Điều trị viêm bờ mi

Viêm bờ mi là một tình trạng khó chữa khỏi dứt điểm, người bệnh có thể bị mắc nhiều lần. Tuy nhiên, dùng thuốc và vệ sinh mi mắt có thể giúp giảm triệu chứng và giúp giảm khả năng tình trạng tái phát.

Thuốc nhỏ (hoặc thuốc mỡ) kháng sinh, nước mắt nhân tạo và thuốc nhỏ mắt steroid có thể được kê đơn tạm thời để giảm viêm hoặc khô mắt. Một số trường hợp nặng nề có thể được bác sĩ kê thêm kháng sinh uống, thuốc bổ sung dinh dưỡng có chứa dầu omega 3 và vi chất dinh dưỡng cũng có thể được kê đơn trong các trường hợp này.

Điều trị viêm bờ mi quan trọng nhất là chườm ấm và vệ sinh mi mắt. Điều này cũng có thể được thực hiện 02 lần/ ngày như một phương pháp điều trị tại nhà, hoặc tại các cơ sở khám chữa chuyên nghiệp bằng cách sử dụng thiết bị thích hợp.

  • Chườm ấm:  Chườm bằng khăn và nước ấm trong vòng 15 phút.
  • Massage mi: Sau khi chườm ấm, nhắm mắt, xoa nắn nhẹ bờ mi từ 5 – 10 lần. Chú ý xoa nắn dọc xuống dưới ở mi trên, lên trên với mi dưới.
  • Rửa mi và lông mi: Dùng tăm bông hoặc quấn miếng vải quanh ngón tay để làm sạch bờ mi, tránh chà quá mạnh, rửa bằng nước ấm khi kết thúc

Hiệu quả bạn nhận được sẽ là:

Gia1697603374 9401

  • Chườm ấm làm giãn nở các ống tuyến tại mi mắt giúp cải thiện chức năng tuyến meibomian
  • Mát xa giúp mắt thư giãn, lưu thông tuần hoàn máu tốt hơn
  • Vệ sinh loại bỏ các yếu tố viêm giúp bờ mi được sạch sẽ và giảm thiểu cảm giác khó chịu ở mắt: Cộm, ngứa do viêm bờ mi gây ra

Việc điều trị có thể mất vài tuần đến vài tháng. Trong thời gian này, bạn sẽ được khuyến cáo không đeo kính áp tròng và hạn chế sử dụng trang điểm mắt (hoặc sử dụng rất ít), vì điều này có thể gây kích ứng thêm cho mắt.

Một số lời khuyên của bác sĩ về bệnh viêm bờ mi

Viêm bờ mi là tình trạng viêm mãn tính tại mi mắt, ảnh hưởng đến bất kỳ độ tuổi nào. Viêm bờ mi có thể gây ra những biến chứng viêm cấp tính như chắp, lẹo, viêm túi lệ, rụng lông mi, khô mắt, làm nặng thêm các bệnh về giác mạc… Do đó, khi thấy có dấu hiệu bất thường nào ở mắt, thì cần đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để lại những hậu quả đáng tiếc.

Bài viết liên quan