Liên hệ tư vấn

Bệnh lý bề mặt nhãn cầu – Nguyên nhân & Triệu chứng

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Thị Mai Phương, Bác sĩ Nhãn khoa Bệnh viện Mắt Alina.

Cùng Bệnh viện Mắt Alina đi vào tìm hiểu về các bệnh lý bề mặt nhãn cầu, cũng như nguyên nhân và triệu chứng trong bài viết ngày hôm nay.

1. Tổng quan về bệnh bề mặt nhãn cầu

Các lớp bề mặt của mắt bao gồm kết mạc (lớp phủ trong suốt của lòng trắng mắt) và giác mạc (lớp phủ trong suốt trên mống mắt màu và đồng tử đen). Cả hai đều được bao phủ bởi một lớp gọi là biểu mô. Ở mắt bị bệnh lý bề mặt nhãn cầu, lớp biểu mô này bị tổn thương. Tổn thương có thể xảy ra do nhiều tình trạng liên quan đến mắt, mí mắt và thậm chí do cả các nguyên nhân toàn thân. Tổn thương biểu mô có thể gây đau, đỏ, giảm thị lực và tệ hơn là có thể dẫn đến tổn thương giác mạc hoặc kết mạc vĩnh viễn. Điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản của bệnh lý bề mặt mắt.

Ben1710821693 9247

Tổng quan bệnh lý bề mặt nhãn cầu

2. Những bệnh lý bề mặt nhãn cầu nào thường gặp?

Hầu hết các bệnh lý bề mặt nhãn cầu là các bệnh lý viêm cấp tính hoặc mãn tính ở các mô liên kết phần phụ của mắt, chẳng hạn như kết mạc, tuyến lệ và tuyến Meibomian hay giác mạc, dẫn đến khô mắt.

Các bệnh lý bề mặt nhãn cầu thường gặp như:

  • Viêm kết giác mạc (đau mắt đỏ): là tính trạng viêm ở kết mạc và/hoặc giác mạc, gây ra bởi vi khuẩn, virus, nấm hoặc dị ứng, có thể do dị vật hoặc chấn thương. Viêm kết/giác mạc có thể có các triệu chứng như: đỏ mắt, cộm, chảy nước mắt, có rỉ mắt, có thể giảm thị lực.
  • Viêm bờ mi: là tình trạng viêm mãn tính ở mi mắt với các triệu chứng như: ngứa mi mắt, cộm, đỏ mi mắt, có rỉ mắt, đóng vảy ở mi mắt, các triệu chứng thường nặng hơn vào buổi sáng và cải thiện hơn trong ngày
  • Hội chứng khô mắt: Hội chứng khô mắt thường là một tình trạng mãn tính chủ yếu do chất lượng hoặc số lượng nước mắt kém. Nó thường có thể được kiểm soát bằng điều trị. Các triệu chứng phổ biến nhất của hội chứng khô mắt là cảm giác khô, có sạn, có cát trong mắt, nhưng cũng có thể bao gồm đỏ, tiết dịch nhầy, thị lực dao động, không dung nạp kính áp tròng và trớ trêu thay là chảy nước mắt quá nhiều. Nhiều triệu chứng trong số này cũng có thể do các bệnh về mắt khác như viêm bờ mi (viêm mí mắt) và dị ứng mắt gây ra. Các triệu chứng khô mắt thường trở nên trầm trọng hơn do các hoạt động mà bệnh nhân có xu hướng không chớp mắt thường xuyên, chẳng hạn như đọc sách, làm việc trên máy tính và xem tivi. Các triệu chứng khô mắt cũng thường nặng hơn vào cuối ngày.

3. Nguyên nhân gây bệnh bề mặt nhãn cầu là gì?

Bởi vì hầu hết các bệnh bề mặt nhãn cầu đều liên quan đến yếu tố viêm nên nguyên nhân gây bệnh có thể do vi khuẩn, virus, nấm, có thể do dị ứng, dị vật kết giác mạc, rối loạn chức năng tuyến Meibomian. Ngoài ra có thể do chấn thương hoặc do ảnh hưởng của bệnh toàn thân như hội chứng Sjogren, viêm khớp dạng thấp. Bên cạnh đó việc dùng thuốc nhỏ mắt không đúng hoặc để điều trị các bệnh lý mãn tính cũng có thể gây tác dụng phụ như khô mắt…

Ben1710821693 812

Nguyên nhân gây bệnh nhãn cầu

4. Bệnh bề mặt nhãn cầu gây nên các triệu chứng nào?

Khi mắc các bệnh bề mặt nhãn cầu, bạn có thể gặp các triệu chứng như:

  • Đỏ mắt
  • Chảy nước mắt
  • Cộm vướng
  • Có thể có ghèn rỉ
  • Mi mắt có thể sưng nề
  • Có thể chói lóa, nhạy cảm với ánh sáng
  • Thị lực có thể giảm

Bạn có thể mắc đồng thời các bệnh bề mặt mắt, cũng như các bệnh lý có thể có triệu chứng giống nhau hoặc các bệnh lý có mối quan hệ nhân quả với nhau. Vì vậy nếu bạn có thể có các triệu chứng trên, hãy đi khám để được bác sĩ nhãn khoa thăm khám và chẩn đoán chính xác vấn đề bạn gặp phải, từ đó có hướng điều trị phù hợp.

5. Cách điều trị bệnh lý bề mặt nhãn cầu?

Bởi vì hầu hết các bệnh lý bề mặt nhãn cầu liên quan đến yếu tố viêm nên phương pháp điều trị chủ yếu là nội khoa với thuốc tra tại chỗ như kháng sinh, kháng viêm, nước mắt nhân tạo. Một số trường hợp có thể sử dụng thuốc uống toàn thân để tăng hiệu quả điều trị. Những trường hợp bệnh nặng như trong hội chứng Sjogren hoặc do chấn thương có thể phải phẫu thuật. Bên cạnh đó, giữ gìn vệ sinh mắt, hoặc chườm ấm mi mắt cũng phần nào giúp tăng hiệu quả điều trị cũng như dự phòng bệnh nặng lên, đặc biệt trong điều trị viêm bờ mi mãn tính.

6. Bệnh bề mặt nhãn cầu có nguy hiểm không?

Hầu hết các bệnh lý bề mặt nhãn cầu đều có thể điều trị và kiểm soát nếu bạn được thăm khám và điều trị đúng lúc. Vậy nên nếu bạn có các triệu chứng nghi ngờ bệnh tại mắt, bạn cần đi khám ngay, kể cả khi bạn chỉ nghi ngờ khô mắt. Bởi khô mắt nặng có thể là yếu tố nguy cơ làm mắt bạn dễ bị viêm nhiễm hơn.

7. Dự phòng bệnh lý bề mặt nhãn cầu?

Để phòng tránh các bệnh lý nhãn cầu, bạn có thể:

  • Giữ vệ sinh mắt: Rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chạm vào mắt, đặc biệt nếu đó là mắt đang bị viêm; hoặc trước và sau khi tháo lắp kính áp tròng. Rửa mắt bằng nước muối sinh lí nếu có rỉ mắt, cộm ngứa hoặc nghi ngờ có dị vật. Cần tẩy trang sạch mi mắt nếu bạn trang điểm.
  • Tránh dụi mắt khi ngứa, hay nghi ngờ có dị vật vào mắt: Dụi mắt vô tình có thể làm tổn thương mắt hơn hoặc làm dị vật vào sâu hơn.
  • Chườm ấm mi mắt: Chườm ấm ở nhiệt độ 400C, 1-2 lần/ ngày, mỗi lần khoảng 15 phút.
  • Không thức khuya, không xem thiết bị điện tử trong điều kiện thiếu ánh sáng: Bạn nên cố gắng ngủ đủ giấc, mỗi 20 phút nhìn gần thì nhìn xa 6m trong 20 giây để giúp bạn đỡ mỏi mắt cũng như khô mắt nếu công việc của bạn làm văn phòng cần xem thiết bị điện tử nhiều.

Ben1710821693 6298

Phòng bệnh lý bề mặt nhãn cầu

Tóm lại, các bệnh lý bề mặt nhãn cầu có thể điều trị và kiểm soát. Vì vậy nếu bạn có các triệu chứng nghi ngờ cần được thăm khám và điều trị kịp thời trước khi có các biến chứng nặng nề. Khách hàng có thể trực tiếp đến Bệnh viện Mắt Alina tại địa chỉ MMS 10-11-12, Khu biệt thự Mimosa, Ecopark, Hưng Yên để thăm khám hoặc liên hệ hotline 0866.224.883 để được hỗ trợ.

Bài viết liên quan