Liên hệ tư vấn

Những lưu ý trong sử dụng thuốc ở bệnh nhân Glaucoma (cườm nước)

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi BSCKI Nguyễn Thị Phương – Bác sĩ Nhãn khoa, Bệnh viện Mắt Alina.

Bệnh Glaucoma (cườm nước) là một bệnh của dây thần kinh thị giác – dây thần kinh chịu trách nhiệm truyền hình ảnh bạn nhìn thấy từ mắt đến não. Glaucoma không thể chữa khỏi và không phục hồi được tổn thương. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể ngăn chặn hoặc trì hoãn các tổn thương thêm cho thị lực. Cùng Bệnh viện Mắt Alina tìm hiểu về những lưu ý trong sử dụng thuốc ở bệnh nhân Glaucoma trong bài viết ngày hôm nay.

W
Old Thai woman massages the eye socket because of eye pain. Health care concept.

Lưu ý trong sử dụng thuốc ở bệnh nhân Glaucoma

1. Định nghĩa bệnh Glaucoma (cườm nước) là gì?

Glaucoma (hay cườm nước) là bệnh lý tổn thương dây thần kinh thị giác tiến triển mạn tính, đặc trưng bởi: tổn thương tiến triển đầu dây thần kinh thị giác và tổn thương thị trường kiểu Glôcôm, và thường có kèm theo tăng nhãn áp.

Mục tiêu điều trị bệnh Glaucoma là bảo vệ cấu trúc và chức năng dây thần kinh thị giác bằng cách điều chỉnh nhãn áp về mức an toàn. Nhãn áp có thể được điều chỉnh bằng thuốc, laser hay phẫu thuật. Trong đó dùng thuốc hạ nhãn áp là lựa chọn điều trị thường gặp và xuyên suốt cả cuộc đời của bệnh nhân mắc bệnh Glaucoma.

2. Nguyên nhân gây bệnh Glaucoma

Bệnh Glaucoma thường không có nguyên nhân rõ ràng nhưng có liên quan đến việc tăng áp lực trong mắt/ giảm lưu lượng máu nuôi dưỡng dây thần kinh giác mạc.

Bên cạnh đó, Glaucoma có thể do bẩm sinh hoặc do tổn thương bên trong mắt. Một vài nguyên nhân khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cườm nước như:

  • Tuổi tác: Theo một số nghiên cứu, cứ 10 người trên 75 tuổi thì có 01 người mắc bệnh Glaucoma.
  • Dân tộc: Những người có nguồn gốc châu Phi, Caribbean hay châu Á có nguy cơ mắc cao hơn những người ở nơi khác.
  • Di truyền

Do đó, việc kiểm tra mắt định kỳ mỗi 06 tháng sẽ giúp bạn phát hiện và ngăn ngừa bệnh Glaucoma.

Gla1718679733 1575
side view asian chinese senior aan having an eye exam at ophthalmologist’s office

Nguyên nhân gây bệnh Glaucoma

3. Những lưu ý trong sử dụng thuốc ở bệnh nhân Glaucoma

3.1. Đảm bảo chắc chắn bệnh nhân thực sự cần điều trị

Khi điều trị Glaucoma được bắt đầu thì có nghĩa bệnh nhân sẽ phải cam kết tuân thủ cả đời hoặc ít nhất cho đến khi bệnh nhân không còn dung nạp thuốc, dị ứng thuốc hay được phẫu thuật lỗ rò. Rất hiếm bệnh nhân có thể dừng thuốc khi mà đã được chẩn đoán xác định Glaucoma.

3.2. Bao quát toàn thân của bệnh nhân khi bắt đầu điều trị

  • Thuốc điều trị bệnh glaucoma cần dùng liên tục kéo dài nên sẽ có những tác dụng phụ toàn thân. Chẳng hạn như thuốc chẹn beta có thể gây co thắt phế quản trên bệnh nhân hen hoặc có bệnh hô hấp khác.
  • Tương tác của thuốc hạ nhãn áp với thuốc điều trị toàn thân cũng cần xem xét, ví dụ như: thuốc chẹn beta dùng cho những bệnh nhân đang điều trị chứng rối loạn nhịp tim bằng Verapamil hoặc quinidine có thể làm chậm nhịp trầm trọng hơn.
  • Vì vậy, bệnh nhân glaucoma cần thông báo cho bác sĩ về các bệnh đang mắc cũng như thuốc điều trị đang sử dụng.

3.3. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc do Bác sĩ viết

  • Khi tra nhiều loại thuốc cùng 1 lúc có thể khiến bệnh nhân nhầm lẫn. Vì vậy bệnh nhân cần hiểu thấu đáo và nhắc lại được những gì bác sỹ đã tư vấn về dùng thuốc.
  • Đặc biệt trước khi dùng thuốc cần đọc hướng dẫn sử dụng trong đơn thuốc.

3.4. Bệnh nhân cần mang thuốc khi đi khám lại

Sẽ rất hữu ích nếu bệnh nhân mang theo các thuốc tra mắt cũng như các thuốc điều trị bệnh toàn thân khi đi khám mắt.

Gla1718679732 8356

Bệnh nhân Glaucoma cần mang thuốc khi đi khám lại

3.5. Đảm bảo tra thuốc đúng thời gian quy định

  • Các thuốc điều trị glaucoma có thời gian bán thải nhất định nên bệnh nhân cần tuân thủ đúng số lần tra thuốc, thời gian giữa các lần: ví dụ thuốc tra 3 lần/ngày thì bệnh nhân cần chia thời gian thức ra 3 phần tương đối đều nhau.
  • Các thuốc tra khác nhau cũng cần tra cách nhau ít nhất 5 phút.
  • Bệnh nhân không nên thức khuya hoặc thức dậy vào ban đêm để tra thuốc.

3.6. Đảm bảo tra thuốc đúng cách

  • Tra thuốc không phải một hành động bản năng và một số bệnh nhân rất khó khăn mới có thể đưa thuốc vào trong mắt được. Dẫn đến tình trạng tra thuốc ra ngoài và hết thuốc trước dự kiến, chi phí tốn kém hơn, hoặc nhãn áp không điều chỉnh do thuốc không vào trong mắt được.
  • Tra thuốc đúng cách: kéo mi dưới xuống, mắt nhìn lên trên và nhỏ thuốc vào cùng đồ dưới sau đó nhắm mắt nhẹ nhàng, chú ý tránh không để đầu lọ thuốc chạm vào mi mắt.

3.7. Cải thiện tuân thủ điều trị

  • Người bệnh cần hiểu rõ về đặc điểm về bệnh glaucoma, giá trị bảo tồn thị giác của việc tuân thủ điều trị cũng như hậu quả mất thị lực dần dần của việc không tuân thủ điều trị
  • Có sự thấu hiểu và kết nối chặt chẽ giữa bệnh nhân và bác sĩ điều trị.
  • Cần có một phác đồ điều trị đơn giản, hiệu quả, và ít ảnh hưởng tới thói quen sống của bệnh nhân nhất.

3.8. Bệnh nhân cần biết rõ về tác dụng phụ tại mắt của thuốc điều trị Glaucoma đang sử dụng

Thuốc điều trị glaucoma có thể gây tác dụng phụ tại mắt như: ngứa, cảm giác bỏng rát, kích ứng đỏ mắt, thay đổi sắc tố vùng quanh mắt, lông mi dài ra, viêm bờ mi,… Người bệnh cần thông báo với bác sĩ điều trị về những triệu chứng tại mắt và không tự ý dừng thuốc tra điều trị Glaucoma.

Để nhận biết chính xác tình trạng mắt và phương pháp điều trị phù hợp, quý khách vui lòng liên hệ tới Bệnh viện Mắt Alina tại địa chỉ MMS 10-11-12, Khu biệt thự Mimosa, Ecopark, Hưng Yên để thăm khám hoặc liên hệ hotline 0866.224.883 để được hỗ trợ.

Bài viết liên quan