Bệnh Glôcôm ở người trưởng thành

07/08/2023

Bệnh lý thị thần kinh do Glôcôm có thể xảy ra ở bất kỳ mức độ nhãn áp nào tùy thuộc vào độ nhạy cảm của đầu dây thần kinh thị giác của mỗi cá thể.

Hầu hết trên các bệnh nhân bị Glôcôm, các triệu chứng thường kín đáo cho đến giai đoạn cuối của bệnh, khi đó đã xảy ra mất thị lực đáng kể, dẫn đến mất thị trường không thể phục hồi.

Phát hiện sớm căn bệnh này là rất quan trọng. Tiên lượng cho bệnh Glôcôm tốt hơn nếu được chẩn đoán và điều trị trong giai đoạn đầu của bệnh.

1. Bệnh Glôcôm là gì?

Glôcôm là một nhóm bệnh có đặc điểm chung là tổn thương thị thần kinh kèm với mất thị trường, trong đó tăng nhãn áp (IOP) là yếu tố nguy cơ.

Bệnh thị thần kinh do Glôcôm được đặc trưng bởi mỏng viền thần kinh đĩa thị. Điều này dẫn đến thay đổi cấu trúc có thể nhìn thấy của đầu thị thần kinh gọi là lõm đĩa kết hợp với mất thị trường chu biên, thường liên quan đến tăng nhãn áp (IOP).

2. Phân loại bệnh Glôcôm

Có rất nhiều loại Glôcôm – Glôcôm góc mở, Glôcôm góc đóng, Glôcôm nhãn áp bình thường và các loại Glôcôm khác là các biến thể của Glôcôm góc mở và góc đóng.

Hai loại Glôcôm chính được phân loại dựa trên các cơ chế nghẽn dòng lưu thông thủy dịch - Glôcôm góc mở hoặc Glôcôm góc đóng. Glôcôm góc mở và Glôcôm góc đóng được chia thêm dưới nhóm là nguyên phát và thứ phát. Khi nguyên nhân cản trở lưu thông thủy dịch hoặc đóng góc chưa rõ, sẽ được gọi là Glôcôm nguyên phát. Khi nguyên nhân gây cản trở lưu thông thủy dịch là do bệnh lý đã biết, sẽ phân loại là Glôcôm thứ phát.

Glôcôm nhãn áp bình thường là một hình thái Glôcôm góc mở không có tăng nhãn áp. Thêm vào đó, một nhóm cá thể có đặc điểm của bệnh Glôcôm nhưng chưa đủ bằng chứng để chẩn đoán Glôcôm thì được gọi là người nghi mắc Glôcôm.

3. Yếu tố nguy cơ của bệnh Glôcôm

Bệnh Glôcôm có thể xuất hiện ở những người có yếu tố sau:

  • Trên 40 tuổi
  • Có người trong gia đình bị bệnh Glôcôm
  • Tăng nhãn áp bất thường
  • Bị bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, Tăng mỡ trong máu
  • Bị cận thị hoặc viễn thị
  • Bị chấn thương mắt, đã có phẫu thuật mắt hoặc bị viêm mắt mãn tính
  • Dùng thuốc steroid/cortisone thường xuyên và kéo dài. Sử dụng corticoid uống (Medrol điều trị các bệnh viêm khớp, tự miễn) và tra (Collydexa tự dùng khi ngứa, đỏ mắt) kéo dài.

Mọi người đều cần quan tâm đến Glôcôm và các ảnh hưởng của nó. Điều quan trọng với mỗi chúng ta là nên thực hiện việc kiểm tra mắt định kỳ vì việc phát hiện và điều trị sớm bệnh Glôcôm là cách duy nhất để ngăn chặn tình trạng mất thị lực và mù lòa. 

4. Dấu hiệu của bệnh Glôcôm

Hầu hết những người mắc bệnh Glôcôm góc mở không có triệu chứng. Khi có triệu chứng, nó thường là giai đoạn muộn của bệnh. Đó là lý do tại sao bệnh Glôcôm góc mở thường được gọi là "kẻ trộm tầm nhìn". Dấu hiệu chính thường là mất thị lực một bên hoặc ngoại vi.

Các triệu chứng của bệnh Glôcôm góc đóng thường xuất hiện nhanh hơn và rõ ràng hơn. Mất thị lực có thể xảy ra nhanh chóng. Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây, hãy gặp bác sĩ Nhãn Khoa ngay lập tức:

  • Nhìn thấy quầng sáng xanh-đỏ xung quanh đèn
  • Giảm hoặc mất thị lực đột ngột
  • Đỏ mắt
  • Đau nửa đầu dữ dội kèm nôn mửa
  • Đau nhức mắt 

5. Chẩn đoán bệnh Glôcôm như thế nào? 

Chẩn đoán bệnh Glôcôm được thực hiện thông qua thăm khám toàn bộ mắt bằng các thiết bị chuyên sâu hiện đại:

  • Đo nhãn áp bằng nhãn áp kế Goldmann,
  • Khám lâm sàng bằng máy sinh hiển vi đèn khe để đánh giá: góc tiền phòng, đo sâu tiền phòng, và đánh giá dây thần kinh thị giác 
  • Đánh giá cấu trúc và chức năng dây thần kinh thị giác trong bệnh lý Glôcôm bằng máy chụp OCT, máy đo thị trường Humphrey, chụp ảnh màu đáy mắt là rất cần thiết để chẩn đoán và theo dõi tiến triển của bệnh Glôcôm. Các thiết bị chẩn đoán hình ảnh luôn sẵn có tại trung tâm Mắt Vinmec-Alina để ghi lại tiến triển của thần kinh thị giác và lớp sợi thần kinh võng mạc theo thời gian.

Các kỹ thuật khám và công cụ chẩn đoán này hỗ trợ trong việc theo dõi và hướng dẫn điều trị bệnh Glôcôm.

6. Các phương pháp điều trị bệnh Glôcôm

Có nhiều phương pháp lựa chọn để hạ nhãn áp cho bệnh nhân Glôcôm, bao gồm: thuốc tra mắt, laser và can thiệp phẫu thuật.

Điều trị Glôcôm nên được điều chỉnh theo từng bệnh nhân, dựa trên thị lực của bệnh nhân, mức độ tổn thương thần kinh thị giác, các yếu tố nguy cơ, mức độ tiến triển, lối sống và nhãn áp đích. 

Điều quan trọng là phải có được sự đồng thuận của bệnh nhân trong việc lựa chọn phương án điều trị phù hợp nhất. Đối với đa số các bệnh nhân, điều trị bước đầu tiên cho hầu hết các thể Glôcôm góc đóng và góc mở là điều trị nội khoa với thuốc tra nhằm hạ nhãn áp theo cơ chế giảm sản xuất thủy dịch, tăng thoát lưu thủy dịch hoặc cả hai.

Có thể cân nhắc khởi đầu điều trị sớm bằng Laser tạo hình vùng bè chọn lọc (SLT) hoặc phẫu thuật khi: nhãn áp rất cao và không đáp ứng với điều trị nội khoa, bệnh nhân có nhiều tác dụng phụ hoặc chống chỉ định với thuốc, bệnh nhân không tuân thủ hoặc không thể dùng thuốc theo chỉ định, hoặc nhãn áp vẫn cao không đáp ứng với điều trị thuốc tối đa.

7. Tổng kết

Như vậy, Glôcôm không thể chữa khỏi hoàn toàn. Mục đích điều trị Glôcôm là nhằm ngăn chặn bệnh không tiếp tục gây tổn thương đầu dây thần kinh thị giác. Trong nhiều trường hợp, Glôcôm tuy đã được phát hiện và điều trị, song người bệnh cho rằng đã được chữa trị khỏi hẳn nên không đi khám, theo dõi tiếp. Hậu quả là bệnh vẫn âm ỉ tiếp tục tiến triển dẫn đến mất dần chức năng thị giác.

Khách hàng có thể trực tiếp đến Bệnh viện chuyên khoa mắt Alina tại địa chỉ MMS 10-11-12, Khu biệt thự Mimosa, Ecopark, Hưng Yên để thăm khám hoặc liên hệ hotline 0866.224.883 để được hỗ trợ.

0866 224 883 Tìm bệnh viện Đặt lịch khám