GHÉP GIÁC MẠC TÌM LẠI ÁNH SÁNG CHO 2 BỆNH NHÂN

04/10/2024

Bệnh nhân T.A (28 tuổi, ở Vĩnh Phúc) được chẩn đoán hai mắt bị Bệnh giác mạc chóp, có tiền sử từng ghép giác mạc mắt trái 10 năm trước, nay mắt phải cũng bị mờ nhiều và tiếp tục có chỉ định cần ghép giác mạc ở mắt này. Bệnh giác mạc chóp thường khởi phát ở độ tuổi dậy thì và tiến triển nặng hơn ở tuổi trưởng thành, bệnh thường bị ở cả 2 mắt dẫn đến giác mạc bị mỏng dần đi và giãn lồi ra trước, hậu quả là gây giảm thị lực nghiêm trọng. Trong những trường hợp giác mạc bị biến dạng nặng và các phương pháp điều trị khác không hiệu quả, ghép giác mạc là lựa chọn điều trị cuối cùng.

Bệnh nhân TA đang được bác sĩ thăm khám lại trước khi phẫu thuật

Bệnh nhân nam thứ hai tên T.N (60 tuổi, ở Hà Nội), gặp tình trạng mắt trái bị loạn dưỡng giác mạc, hai mắt Glocom đã phẫu thuật Glocom từ năm 2017. Đến 3/2018, bệnh nhân tiếp tục mổ thay thuỷ tinh thể 2 mắt. Giác mạc mắt trái bị tổn thương sau mổ dẫn đến giảm thị lực dần chỉ còn đếm ngón tay được ở khoảng cách 2 mét. Bệnh nhân được các bác sĩ Trung tâm Mắt Vinmec - Alina chẩn đoán mắt trái bị bệnh giác mạc bọng sau phẫu thuật thay thủy tinh thể.

Bệnh giác mạc bọng là một biến chứng có thể gặp sau phẫu thuật thay thủy tinh thể, nguyên nhân có thể do các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn trước phẫu thuật hoặc do các sang chấn trong quá trình phẫu thuật. Bệnh không chỉ gây giảm thị lực nặng nề mà còn gây đau nhức, cộm vướng, chảy nước mắt. Bác sỉ chỉ định ghép giác mạc là phương pháp điều trị dứt điểm bệnh lý này vì nó giúp phục hồi cấu trúc và chức năng bình thường của giác mạc.

Bệnh nhân nam thứ hai tên T.N (60 tuổi, ở Hà Nội)

Hai ca ghép giác mạc được các bác sĩ phẫu thuật bằng phương pháp ghép giác mạc xuyên, toàn bộ giác mạc bị tổn thương của bệnh nhân được thay thế bằng giác mạc của người hiến tặng. Đây là một phương pháp ghép toàn bộ độ dày của giác mạc, từ lớp biểu mô đến lớp nội mô. Ghép giác mạc xuyên được sử dụng để điều trị các bệnh lý giác mạc nghiêm trọng, như viêm giác mạc bọng, giác mạc chóp, sẹo giác mạc do chấn thương hoặc viêm loét giác mạc. Phẫu thuật này giúp tái tạo lại cấu trúc giác mạc bình thường, giúp phục hồi chức năng của các tế bào nội mô và cải thiện sự trong suốt của giác mạc, từ đó giúp cải thiện thị lực cho những bệnh nhân có giác mạc bị đục hoặc biến dạng mà không thể điều trị bằng các phương pháp khác.

Hai bệnh nhân tại Trung tâm Mắt Vinmec - Alina đã tìm lại được ánh sáng nhờ giác mc được nhận từ người hiến bị chết não. Ghép giác mạc là một phẫu thuật ghép tạng giúp người bệnh tìm lại ánh sáng cho đôi mắt của mình với tỷ lệ thải ghép thấp và quá trình sử dụng thuốc chống thải ghép không phức tạp và tốn kém như ghép các tạng khác. Đặc biệt, quá trình phục hồi khá nhanh, chỉ sau ghép khoảng một tuần người bệnh có thể trở lại cuộc sống sinh hoạt và làm việc nhẹ nhàng.

Sau ca phẫu thuật bệnh nhân T. N có chia sẻ rất vui mừng, phấn khởi khi được thông báo có người hiến tặng giác mạc. Khi ra bệnh viện, bệnh nhân được tất cả các giáo sư, bác sĩ giúp đỡ nhiệt tình, chỉ dẫn, tư vấn trong quá trình ghép giác mạc. Bệnh nhân biết được nhiều giáo sư, bác sĩ hàng đầu của Việt Nam, trực tiếp ghép trong môi trường đặc biệt tốt ở Vinmec. Bệnh nhân cảm thấy rất tự hào, rất tự tin, đặt trọn niềm tin vào các bác sỹ và bệnh viện.

Bác T.N muốn gửi lời cảm ơn người đã hiến tặng giác mạc, nhờ nghĩa cử cao đẹp đó bác tìm lại ánh sáng. Bác gửi lời cảm ơn đến gia đình và người thân của người hiến tặng giác mạc với 1 lời cảm ơn chân thành nhất và chúc cho họ thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.

Hai ca phẫu thuật được thực hiện thành công với sự phối hợp giữa các chuyên gia nhãn khoa của bệnh viện Mắt Trung ương, Trung tâm Mắt Vinmec - Alina và ekip gây mê hồi sức của bệnh viện Vinmec Times City. Hiện mắt hai bệnh nhân đã ổn định, nhìn lại được và đảm bảo chất lượng cuộc sống.

0866 224 883 Tìm bệnh viện Đặt lịch khám