Chẩn đoán và điều trị viêm giác mạc do Virus Herpes

07/06/2024

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Thị Mai Phương - Bác sĩ Nhãn khoa, Bệnh viện Mắt Alina

Viêm giác mạc do virus herpes là một bệnh lý nhiễm virus ở mắt. Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ, nếu không được điều trị kịp thời thì có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến mắt, thậm chí có thể làm giảm thị lực và dẫn đến mù lòa. Hãy cùng Bệnh viện Mắt Alina tìm hiểu về bệnh viêm giác mạc do Virus Herpes trong bài viết này nhé!

Viêm giác mạc do virus herpes

1. Viêm giác mạc do Virus Herpes

Viêm giác mạc do Herpes simplex là một tình trạng nhiễm trùng phổ biến và có khả năng gây mù do nhiễm trùng giác mạc tái phát do virus Herpes Simplex (HSV). Virus này lây truyền phổ biến nhất qua giọt bắn hoặc ít thường xuyên hơn bằng cách tiếp xúc trực tiếp. Bệnh thường xảy ra ở một mắt, hiếm khi có thể xảy ra ở hai bên mắt. Viêm giác mạc thường biểu hiện bằng viêm chấm nông li ti ở giác mạc, có thể thoáng qua rồi khỏi. Tuy nhiên một số người bệnh các chấm viêm có thể nặng lên thành ổ loét giác mạc ,điều trị khó khăn, bệnh hay tái phát và để lại di chứng (sẹo giác mạc). Virus herpes simplex gây nhiễm trùng mắt liên quan đến kết mạc, giác mạc, mống mắt, thủy tinh thể và võng mạc.

2. Nguyên nhân bệnh

Nguyên nhân của bệnh là do virus Herpes có tên khoa học là Herpes Simplex virus (HSV), thuộc họ Herpes Viridae.

Herpes có 2 type: HSV-1 thường là nguyên nhân gây ra hầu hết các bệnh nhiễm trùng ở vùng miệng, môi và mắt và HSV-2 ở vùng sinh dục. Tuy nhiên, có trường hợp HSV-2 gây bệnh ở mắt do mắt bị nhiễm dịch tiết đường sinh dục (đặc biệt ở trẻ sơ sinh) nhưng rất hiếm gặp.

Nhiễm HSV tiên phát xảy ra sau khi tiêm chủng do tiếp xúc trực tiếp với bề mặt niêm mạc hoặc da, có thể không biểu hiện lâm sàng và không được chú ý. Sau lần nhiễm trùng đầu tiên, virus trở nên tiềm ẩn, di chuyển đến hạch thần kinh thông qua các rễ cảm giác và tồn tại ở đó suốt cuộc đời của con người.

Nhiễm trùng sơ cấp có thể tái phát gây bệnh sau này do nhiều yếu tố căng thẳng khác nhau như sốt, chấn thương, ức chế miễn dịch, thay đổi nội tiết tố, tiếp xúc với bức xạ.

3. Triệu chứng của viêm giác mạc do Herpes

Một số dấu hiệu lâm sàng của bệnh viêm giác mạc Herpes thường được biểu hiện ra bên ngoài như:

  • Đau nhức mắt kéo dài
  • Luôn có cảm giác cộm, có dị vật trong mắt hoặc cảm giác bị chấn thương ở mắt.
  • Giảm thị lực
  • Giác mạc bị loét
  • Sốt cao, nổi hạch ở trước tai, mụn nước trên mặt,…
  • Mắt bị đau, đỏ, chảy nhiều nước mắt và nhạy cảm với ánh sáng.

Nếu bệnh nhân chỉ bị nhiễm trùng nhẹ thường sẽ không để lại sẹo nhưng khi chuyển sang giai đoạn nặng và các triệu chứng kéo dài nhiều ngày thì nguy cơ cao sẽ để lại sẹo giác mạc, gây suy giảm thị lực. 

Triệu chứng của viêm giác mạc do Herpes Virus

4. Chẩn đoán bệnh viêm giác mạc do Herpes

Để chẩn đoán viêm giác mạc Herpes chính xác, bác sĩ sẽ dựa trên những biểu hiện lâm sàng của bệnh từ chủ quan hay khách quan để có hướng điều trị thích hợp.

  • Triệu chứng chủ quan: Đau mắt, đỏ mắt, nhìn mờ, chảy nước mắt, nhạy cảm với ánh sáng,…
  • Triệu chứng khách quan: Kết mạc cương tụ, giác mạc thấy hình ảnh viêm chấm, loét hình cành cây, hình bản đồ… Ngoài ra, biến chứng có thể gặp như viêm màng bồ đào, mủ nội nhãn,…

5. Điều trị viêm giác mạc do Herpes

Điều trị bệnh viêm giác mạc Herpes phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Viêm giác mạc mắt do Herpes là bệnh do virus gây ra với các biểu hiện đau nhức mắt, loét giác mạc, viêm giác mạc hình đĩa, viêm nhu mô kẽ, viêm màng bồ đào,… Do đó, để điều trị, cần tiêu diệt virus và điều trị các triệu chứng. Cụ thể:

  • Dùng thuốc ức chế tổng hợp acid nhân của virus với đường dùng: tra hoặc uống
  • Chống bội nhiễm vi khuẩn: Tra mắt bằng các kháng sinh phổ rộng 
  • Tăng cường dinh dưỡng bề mặt nhãn cầu bằng nước mắt nhân tạo
  • Thuốc chống viêm steroid thường dùng trong các trường hợp viêm giác mạc hình đĩa hay viêm nhu mô kẽ khi có phản ứng màng bồ đào. Thuốc corticoid dùng dạng tra mắt sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ, cần thận trọng khi sử dụng và giảm dần liều khi bệnh có dấu hiệu giảm bớt
  • Trường hợp viêm loét gây thủng giác mạc hoặc để lại sẹo làm mất thị lực cần thực hiện phẫu thuật ghép giác mạc
  • Điều trị chống tái phát: để ngăn ngừa khả năng tái phát có thể sử dụng thuốc chống virus thường dùng Acyclovir liều 800mg/ngày chia 2 lần trong ít nhất 1 năm.

Bên cạnh dùng thuốc, bệnh nhân cần có chế độ sinh hoạt lành mạnh, vệ sinh sạch sẽ để hạn chế nguy cơ tái phát bệnh.

6. Cách phòng ngừa nhiễm bệnh viêm giác mạc do Herpes

Herpes rất dễ lây nhiễm qua đường tiếp xúc trực tiếp khi vẫn còn các sang thương, vì vậy, cần lưu ý những điều sau:

  • Không tiếp xúc trực tiếp vùng da đang tổn thương của mình vào người khác như: hôn, sờ, chạm, quan hệ tình dục,…Vết lở sẽ không còn gây lây nhiễm khi đã lành hoàn toàn và vùng da bị ảnh hưởng đã trở về bình thường.
  • Không dùng chung đồ dùng cá nhân như bàn chải đánh răng, khăn tắm, khăn lau mặt, ly uống nước, chén - đũa - muỗng, son môi, phấn trang điểm và “khăn ướp lạnh”…
  • Không sờ tay lên mắt
  • Không sử dụng kính áp tròng trong thời gian bị bệnh, kính áp tròng cần được vệ sinh sạch sẽ bằng nước ngâm rửa chuyên dụng
  • Cẩn thận khi trang điểm và tẩy trang. Không nên cố gắng dùng cream hay phấn trang điểm để che đi những mụn rộp hay vết lở vì sẽ dễ bị bội nhiễm vi khuẩn
  • Tránh hoặc ngăn chặn các điều kiện gây nên căng thẳng của cơ thể, chẳng hạn như bị cảm lạnh, cúm, không ngủ đủ giấc
  • Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tập thể dục thể thao để có sức khỏe và đề kháng tốt nhằm tránh lây nhiễm hoặc giảm khả năng tái phát bệnh.

7. Theo dõi và tái khám

Theo dõi và tái khám bệnh viêm giác mạc do virus Herpes

Bệnh nhân cần lưu theo dõi tình trạng bệnh và tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Sau khi khỏi bệnh, khi thấy bất kỳ các dấu hiệu bất thường của mắt như đau, ngứa mắt, mắt đỏ, chảy nhiều nước mắt, mắt nhìn mờ hay cộm… thì cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám cụ thể và có biện pháp điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.

Để nhận biết chính xác tình trạng mắt và phương pháp điều trị phù hợp, quý khách vui lòng liên hệ tới Bệnh viện Mắt Alina tại địa chỉ MMS 10-11-12, Khu biệt thự Mimosa, Ecopark, Hưng Yên để thăm khám hoặc liên hệ hotline 0866.224.883 để được hỗ trợ.

0866 224 883 Tìm bệnh viện Đặt lịch khám