Đục thủy tinh thể là gì? Dấu hiệu nhận biết đục thủy tinh thể vào từng giai đoạn

09/08/2024

Hiện nay, đục thủy tinh thể là một trong những căn bệnh phổ biến ở người cao tuổi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức lực và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, căn bệnh này tiềm ẩn nhiều rủi ro và thậm chí có thể dẫn đến mù lòa. Hãy cùng Bệnh viện Mắt Alina tìm hiểu chi tiết về bệnh lý đục thủy tinh thể trong bài viết dưới đây.


Bệnh lý đục thủy tinh thể

1. Đục thủy tinh thể là gì?

Đục thủy tinh thể hay còn được gọi là cườm khô, là một tình trạng bệnh về mắt phổ biến xảy ra khi thủy tinh thể (một cấu trúc trong suốt và đàn hồi nằm phía sau đồng tử) bị mờ đục. Thủy tinh thể có vai trò quan trọng trong việc tập trung ánh sáng vào võng mạc, giúp chúng ta nhìn rõ. Theo tuổi tác, thủy tinh thể sẽ mất dần độ trong suốt và độ đàn hồi, dẫn đến tình trạng đục thủy tinh thể.

Khi bị đục thủy tinh thể, các protein trong thủy tinh thể bắt đầu tập trung thành đám, gây ra những vùng mờ và làm ánh sáng không thể xuyên qua một cách rõ ràng. Điều này khiến cho tầm nhìn của người bệnh trở nên mờ đục, gây khó khăn trong việc nhìn rõ các chi tiết, khi đọc chữ, khi lái xe hay đặc biệt là khi ở trong điều kiện ánh sáng yếu. Nếu không được điều trị kịp thời, đục thủy tinh thể có thể dẫn đến tình trạng giảm thị lực nghiêm trọng, thậm chí là mù lòa.

Tình trạng thủy tinh thể bị mờ đục

 

2. Các dấu hiệu nhận biết đục thủy tinh thể

2.1. Dấu hiệu nhận biết vào giai đoạn bắt đầu

Trong giai đoạn đầu tiên của bệnh lý đục thủy tinh thể, bạn có thể nhận biết qua một số dấu hiệu như:

  • Thị lực giảm dần: Người bệnh cảm thấy thị lực của mình giảm dần, khiến mắt trở nên mỏi hơn khi phải tập trung nhìn một vật cụ thể trong thời gian dài.
  • Nhạy cảm với ánh sáng: Ánh sáng chói lóa từ đèn xe hoặc ánh nắng mặt trời có thể gây khó chịu nhiều hơn bình thường. Người bệnh sẽ có xu hướng tránh những nơi có ánh sáng quá mạnh, gây tác động đến mắt.
  • Khó nhìn vào ban đêm: Đục thủy tinh thể có thể làm giảm khả năng điều chỉnh ánh sáng của mắt, khiến người bệnh gặp khó khăn khi lái xe vào ban đêm hoặc khi đối diện với ánh sáng mạnh, dẫn đến hiện tượng chói mắt và làm giảm khả năng quan sát.
  • Tầm nhìn bị mờ như có màng che: Người bệnh sẽ thấy tầm nhìn của mình trở nên mờ ảo, giống như có một lớp màng che trước mắt, làm cho hình ảnh trở nên nhòe và màu sắc không còn chính xác như trước.

2.2. Dấu hiệu nhận biết vào giai đoạn bệnh nặng

Khi bệnh đục thủy tinh thể tiến triển đến giai đoạn nặng, các triệu chứng trở nên rõ ràng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh:

  • Thị lực suy giảm đáng kể: Người bệnh gặp khó khăn trong hầu hết các hoạt động hàng ngày như đọc, viết, xem tivi hay nhận diện khuôn mặt người khác.
  • Thay đổi màu sắc của thủy tinh thể: Thủy tinh thể có thể trở nên đục hoặc chuyển sang màu sẫm hơn, ảnh hưởng đến khả năng xuyên sáng và làm giảm rõ ràng tầm nhìn của người bệnh
  • Nhìn thấy chấm đen lơ lửng: Người bệnh có thể bắt đầu nhìn thấy những chấm đen với nhiều hình dạng và kích thước khác nhau xuất hiện lơ lửng trong tầm nhìn, gây khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng tầm nhìn.
  • Nhạy cảm với ánh sáng: Dấu hiệu rõ ràng là người bệnh sẽ vô cùng nhạy cảm với ánh sáng, mắt trở nên khó chịu nếu phải tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hoặc đèn pha, phải nheo mắt để giảm bớt độ chói.
  • Hiện tượng song thị (nhìn đôi): Khi bệnh lý đục thủy tinh thể phát triển không đồng đều ở hai bên mắt, ánh sáng không hội tụ đúng vào hoàng điểm sẽ dẫn đến hiện tượng nhìn đôi.
  • Thay đổi trong cách nhận biết màu sắc: Màu sắc có thể trở nên nhạt hơn hoặc có sắc vàng nhẹ. Việc phân biệt giữa các tông màu gần nhau trở nên khó khăn hơn đối với người bệnh.

Dấu hiệu nhận biết bệnh đục thủy tinh thể

 

3. Nguyên nhân dẫn đến bệnh đục thủy tinh thể

Bệnh đục thủy tinh thể có thể phát triển từ nhiều nguyên nhân khác nhau, được chia thành các loại chính như sau:

3.1. Nguyên nhân nguyên phát

  • Bệnh bẩm sinh: Một số trường hợp đục thủy tinh thể liên quan đến các rối loạn di truyền hoặc yếu tố bẩm sinh từ khi sinh ra.
  • Lão hóa tự nhiên: Sự thay đổi tự nhiên của mắt theo tuổi tác là nguyên nhân phổ biến nhất, thường xảy ra ở những người trên 50 tuổi, khi thủy tinh thể dần mất đi độ trong suốt và độ đàn hồi.

3.2. Nguyên nhân thứ phát

  • Viêm màng bồ đào: Việc bị viêm màng bồ đào tái đi tái lại có thể dẫn đến đục thủy tinh thể.
  • Chấn thương mắt: Các chấn thương mắt cũng có thể góp phần gây ra tình trạng này.
  • Sử dụng thuốc: Sử dụng các loại thuốc như corticoid, thuốc chống loạn nhịp (như amiodarone), thuốc hạ mỡ máu nhóm statin và một số thuốc chống trầm cảm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mắt, dẫn đến đục thủy tinh thể.
  • Các tình trạng sức khỏe khác: Huyết áp cao, tiểu đường, thừa cân béo phì hay việc người bệnh phải tiếp xúc thường xuyên với tia X, tia tử ngoại, ánh sáng chói hoặc tia hàn cũng làm tăng nguy cơ bị bệnh.

3.3. Các yếu tố khác

  • Thiếu dinh dưỡng: Mắt thiếu hụt dinh dưỡng cần thiết có thể dẫn đến các vấn đề về thủy tinh thể.
  • Uống quá nhiều bia rượu: Thói quen uống bia rượu quá mức cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe mắt.
  • Căng thẳng tâm lý, ảnh hưởng từ môi trường: Việc người bệnh có tình trạng tâm lý căng thẳng kéo dài, hay thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm cũng góp phần gây ra bệnh lý đục thủy tinh thể.

Nguyên nhân gây ra bệnh đục thủy tinh thể

4. Các tác hại của bệnh đục thủy tinh thể 

  • Giảm thị lực nghiêm trọng: Đục thủy tinh thể làm giảm khả năng nhìn rõ, có thể dẫn đến tình trạng mù lòa nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh này làm cho các hoạt động hàng ngày trở nên khó khăn, giảm khả năng tự chăm sóc bản thân của người bệnh.
  • Tăng nguy cơ mắc các bệnh mắt khác: Bệnh đục thủy tinh thể có thể dẫn đến các vấn đề về mắt khác như viêm màng bồ đào hoặc tăng nhãn áp, do sự thay đổi và căng thẳng trong cấu trúc mắt.
  • Giảm khả năng thực hiện các hoạt động: Thị lực giảm khiến khả năng sinh hoạt hàng ngày của người bệnh trở nên kém hiệu quả, đặc biệt là trong các hoạt động yêu cầu sự chính xác cao. Ngoài ra, việc lái xe trở nên nguy hiểm hơn, làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cùng các sự cố liên quan.
  • Dễ bị thương tích: Sự suy giảm thị lực làm cho người bệnh dễ bị va đập, vấp ngã hay gặp tai nạn trong những hoạt động thường ngày, làm tăng nguy cơ chấn thương, ảnh hưởng đến sự tự lập.
  • Tác động đến sức khỏe tâm lý: Việc mất thị lực và gặp khó khăn trong các hoạt động có thể gây ra cảm giác chán nản, lo âu hay trầm cảm. Người bệnh có thể cảm thấy bị cô lập và mất tự tin, dẫn đến căng thẳng tâm lý nghiêm trọng.

Đục thủy tinh thể là một bệnh lý về mắt thường gặp, nhất là ở những người từ 50 tuổi trở lên. Việc hiểu đúng về đục thủy tinh thể, phát hiện ra dấu hiệu và nguyên nhân dẫn đến bệnh  có thể giúp bạn phòng ngừa, điều trị đục thủy tinh thể hiệu quả. Khi bạn hoặc người thân nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào của bệnh đục thủy tinh thể, hãy mau chóng tìm kiếm sự tư vấn từ cơ sở nhãn khoa uy tín để có thể đưa ra các phương pháp điều trị chính xác nhất, giúp bảo vệ thị lực lâu dài.

Để nhận biết chính xác tình trạng mắt và phương pháp điều trị phù hợp, quý khách vui lòng liên hệ tới Bệnh viện Mắt Alina tại địa chỉ MMS 10-11-12, Khu biệt thự Mimosa, Ecopark, Hưng Yên để thăm khám hoặc liên hệ hotline 0866.224.883 để được hỗ trợ.


 

0866 224 883 Tìm bệnh viện Đặt lịch khám