1. Cận thị là gì?
Cận thị hay “tật nhìn gần” là tình trạng của mắt mà khi đó người cận thị có thể nhìn rõ những vật ở gần, nhưng lại nhìn mờ khi nhìn xa.
Cận thị xảy ra khi trục nhãn cầu quá dài hoặc giác mạc quá cong so với bình thường. Do đó, ánh sáng đi vào mắt sẽ không thể hội tụ chính xác tại mắt, làm cho mắt nhìn mờ những vật ở xa. Nguyên nhân chính xác của cận thị cũng chưa được hiểu rõ, nhưng có thể ảnh hưởng do di truyền. Nếu bố hoặc mẹ hoặc cả hai bị cận, tỷ lệ con của họ bị cận cũng sẽ tăng lên. Thực tế, việc khởi phát cận thị cũng có thể do mắt chúng ta làm việc quá nhiều với các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại … hoặc công việc phải nhìn gần nhiều như đọc sách … Tỷ lệ mắc cận thị ở những người này có thể lên đến 30-80%.
Tổng quan về cận thị và kiểm soát cận thị
2. Triệu chứng của cận thị
Người bị cận thị có thể gặp khó khăn khi xem phim, xem tivi, nhìn bảng trên lớp học hoặc khi lái xe. Cận thị thường khởi phát và tiến triển ở những bạn học sinh trong độ tuổi đi học, do mắt thời điểm này cũng đang phát triển. Cận thị thường dừng tăng độ ở lứa tuổi 20 nhưng cũng có thể tiếp tục tăng ở người trưởng thành do mắt phải hoạt động quá nhiều hoặc ảnh hưởng do bệnh lý như tiểu đường.
3. Các phương pháp điều trị cận thị hiện nay
Có thể sử dụng các phương pháp dưới đây để giúp người bị cận thị nhìn rõ hơn :
- Đeo kính gọng: Đối với hầu hết người bị cận thì đeo kính gọng là lựa chọn đầu tiên và đơn giản nhất. Tùy thuộc vào mức độ cận thị mà người sử dụng phải đeo khi làm một số việc nhất định như xem phim, lái xe hoặc phải kính toàn thời gian với người cận thị nặng.
- Kính áp tròng: Đối với một số người, kính áp tròng sẽ giúp nhìn rõ hơn và trường nhìn rộng hơn so với kính gọng. Tuy nhiên, những người đeo kính áp tròng cần được đánh giá và tư vấn bởi các chuyên viên y tế chăm sóc mắt.
- Kính Ortho K: là một phương pháp không xâm lấn để điều chỉnh tật cận thị. Kính Ortho K được thiết kế đặc biệt, là kính áp tròng cứng giúp thay đổi bề mặt cong của giác mạc, qua đó giúp ánh sáng hội tụ chính xác trên mắt. Bạn sẽ đeo kính vào ban đêm lúc đi ngủ và tháo ra vào sáng ngày hôm sau, qua đó có thể nhìn rõ hầu hết trong các hoạt động ban ngày mà không cần đeo kính.
- Laser : Là phương pháp có thể lựa chọn để điều trị cận thị ở người trưởng thành.Tia laser giúp chỉnh hình lại giác mạc qua việc lấy đi một phần nhỏ mô giác mạc. Đây là phương pháp hiện đại và cũng được khá nhiều người lựa chọn ngày nay.
- Phương pháp phẫu thuật khúc xạ khác: Nếu bạn bị cận quá cao hoặc giác mạc quá mỏng để có thể laser, có thể xem xét lựa chọn phương pháp đặt kính nội nhãn Phakic. Bác sĩ sẽ đặt một thấu kính nhỏ vào trước thủy tinh thể của bạn, qua đó giúp ánh sáng hội tụ chính xác trên mắt.
Người bị cận thị có nhiều lựa chọn giải quyết vấn đề nhìn mờ. Và bác sĩ nhãn khoa sẽ là người giúp bạn lựa chọn và tư vấn phương án tối ưu nhất.
4. Tại sao nên kiểm soát cận thị càng sớm càng tốt?
Trẻ em có nguy cơ tiến triển cận thị cao (tiền sử gia đình, khởi phát cận thị sớm, học tập nhiều) có thể lựa chọn một số phương pháp để kiểm soát cận thị. Có thể lựa chọn kính hai tròng, kính áp tròng, Ortho K, thuốc nhỏ mắt Atropine nồng độ thấp hoặc phối hợp các phương pháp này. Điều này rất quan trọng vì cận thị cao có thể dẫn đến các vấn đề về mắt như đục thủy tinh thể, glocom, thoái hóa võng mạc cận thị …
Tỷ lệ mắc các bệnh về mắt do cận thị
5. Tổng kết
Như vậy, cận thị nặng không chỉ gây bất tiện trong sinh hoạt mà nó còn chứa những biến chứng nguy hiểm khác như bệnh về võng mạc ở mắt. Khi phát hiện có những tổn thương ở đáy mắt, người bị cận thị cao cần tăng tần suất khám mắt định kỳ (khoảng 3 tháng/lần). Bên cạnh đó, những bệnh nhân cận thị nói chung và có tật khúc xạ nói riêng luôn phải tuân thủ lịch khám 3-6 tháng/lần để đeo kính đúng số và kiểm soát biến chứng ở đáy mắt.
Khách hàng có thể trực tiếp đến Bệnh viện chuyên khoa mắt Alina tại địa chỉ MMS 10-11-12, Khu biệt thự Mimosa, Ecopark, Hưng Yên để thăm khám hoặc liên hệ hotline 0866.224.883 để được hỗ trợ.