Bệnh lý khô mắt là gì? Nguyên nhân và các phương pháp điều trị khô mắt

24/05/2024

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Đàm Văn Quý, Bác sĩ Nhãn khoa Bệnh viện Mắt Alina.

Khô mắt hiện đang là căn bệnh khá phổ biến đặc biệt là với những người có thời gian tiếp xúc với máy tính trong thời gian dài. Cùng Bệnh viện Mắt Alina tìm hiểu nguyên nhân và các phương pháp điều trị khô mắt qua bài viết dưới đây.

Bệnh lý khô mắt

1. Khô mắt là gì? 

Mắt cần có nước mắt để cảm thấy thoải mái và khỏe mạnh hơn. Nếu mắt không sản xuất đủ nước mắt, được gọi là tình trạng khô mắt. Khô mắt cũng xảy ra khi chất lượng của nước mắt không được đảm bảo. 

2. Vai trò của nước mắt 

Khi chớp mắt, màng phim nước mắt được dàn trải đều trên mắt. Điều này giúp bề mặt nhãn cầu luôn được bôi trơn và sạch sẽ.  

Màng phim nước mắt gồm 3 lớp:

  • Lớp dầu 
  • Lớp nước 
  • Lớp nhầy 

Mỗi lớp của màng phim nước mắt đều có chức năng riêng. 

Lớp dầu là lớp nằm ngoài cùng của màng phim nước mắt. Nó giúp bề mặt nước mắt được trơn nhẵn và hạn chế sự bốc hơi nước mắt. Lớp này được tiết ra bởi tuyến Meibomius nằm trong mi mắt. 

Lớp nước nằm ở giữa màng phim nước mắt. Nó giúp vệ sinh, rửa sạch những bụi bẩn ở mắt. Lớp này được tiết ra từ tuyến lệ chính. 

Lớp nhầy là lớp nằm trong cùng. Nó giúp cho lớp nước được dàn trải đều trên bề mặt nhãn cầu, duy trì độ ẩm. Nếu không có lớp nhầy, nước mắt sẽ không thể bám dính được ở trên mắt. Lớp nhầy được tiết ra từ kết mạc (lớp màng che phủ phần lòng trắng của mắt). 

Nếu một trong ba lớp này của màng phim nước mắt bị thiếu hụt hoặc mất đi sẽ dẫn đến tình trạng khô mắt. 

3. Triệu chứng của khô mắt 

Đây là một số triệu chứng có thể gặp của tình trạng khô mắt: 

  • Cảm giác nóng mắt, cộm mắt 
  • Ngứa mắt 
  • Chảy nước mắt 
  • Xuất hiện ghèn, dử mắt 
  • Đỏ mắt 
  • Mỏi mắt 
  • Nhìn mờ, đặc biệt khi đọc sách, sử dụng các thiết bị điện tử 
  • Nhạy cảm với ánh sáng

Triệu chứng của khô mắt

4. Nguyên nhân của khô mắt

Càng lớn tuổi, sự sản xuất nước mắt càng ít đi do sự thay đổi hormone. Cả nam và nữ đều có thể bị khô mắt. Tuy nhiên, điều này phổ biến hơn ở phụ nữ, đặc biệt những người đã mãn kinh. 

Các nguyên nhân khác gây khô mắt có thể gặp như: 

  • Do các bệnh lý tự miễn như viêm khớp dạng thấp, hội chứng Sjogren, bệnh tuyến giáp, lupus ban đỏ … 
  • Viêm bờ mi 
  • Quặm mi, lật hở mi 
  • Môi trường khô, nhiều gió, khói thuốc 
  • Nhìn màn hình điện tử trong thời gian dài, đọc hoặc các hoạt động khác làm giảm tần số chớp mắt 
  • Sử dụng kính áp tròng thời gian dài 
  • Đã mổ khúc xạ, như LASIK 
  • Sử dụng một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu, chẹn beeta, thuốc chống dị ứng, thuốc ngủ, chống trầm cảm,… 

5. Chẩn đoán khô mắt

Để chẩn đoán khô mắt, bác sĩ sẽ hỏi những triệu chứng mà bạn đang gặp phải và tiến hành thăm khám: 

  • Tổng lượng nước mắt mà mắt tiết ra 
  • Thời gian phá vỡ màng phim nước mắt 
  • Tình trạng mi mắt 

Chẩn đoán khô mắt

6. Điều trị khô mắt như thế nào? 

Dưới đây là những phương pháp điều trị khô mắt mà bạn có thể tham khảo: 

6.1. Thay đổi lối sống 

  • Tránh khói thuốc, gió trực tiếp vào mắt 
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm giúp không khí không quá khô 
  • Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử và để mắt nghỉ ngơi hợp lý 
  • Uống nhiều nước 
  • Ngủ đủ giấc 

6.2. Bổ sung nước mắt nhân tạo 

Bác sĩ có thể kê nước mắt nhân tạo để giảm tình trạng khô mắt. Bạn có thể mua nước mắt nhân tạo mà không cần kê đơn. Có nhiều loại nước nhân tạo, bạn có thể thử vài loại để tìm được loại phù hợp nhất với mình. 

Nếu bạn phải sử dụng nước mắt nhân tạo nhiều hơn 6 lần/ngày hoặc dị ứng với chất bảo quản, bạn nên sử dụng nước mắt nhân tạo loại không có chất bảo quản. 

6.3. Thuốc tăng tiết nước mắt 

Bác sĩ có thể kê đơn thuốc giúp mắt tăng tiết nhiều nước mắt hơn nếu cần thiết. 

6.4. Nút điểm lệ 

Bác sĩ có thể sử dụng nút điểm lệ để chặn đường thoát nước mắt, giữ nước mắt ở trên mắt lâu hơn. Nút điểm lệ làm bằng silicone hoặc gel và có thể rút ra sau một thời gian nếu cần.   

6.5. Điều trị bệnh lý kèm theo 

Nếu có các vấn đề liên quan đến viêm bờ mi, bác sĩ có thể khuyên bạn: 

  • Chườm ấm mắt 
  • Massage mi mắt 
  • Vệ sinh mi mắt 
  • Kê thuốc nhỏ mắt dạng nước hoặc mỡ. 

6.6. Điều trị khô mắt bằng liệu pháp xung nhiệt LipiFlow

Phương pháp điều trị bằng xung nhiệt với công nghệ Lipiflow là phương pháp điều trị tiên tiến nhất hiện nay. 

Xung nhiệt với công nghệ LipiFlow là một quy trình dựa trên việc áp dụng nhiệt và massage cục bộ trên mí mắt để cải thiện chức năng của tuyến Meibomian, nằm dưới chân lông mi và có nhiệm vụ tiết ra lipid và protein để cải thiện chức năng bôi trơn nước mắt và ngăn không cho nó bay hơi quá dễ dàng. Vì vậy, làm giảm các triệu chứng như nóng rát và châm chích ở mắt, khô mắt, kích ứng và đỏ mắt,... 

Điều trị khô mắt bằng liệu pháp xung nhiệt LipiFlow

Có 4 bước điều trị của Liệu pháp xung nhiệt với công nghệ Lipiflow: 

  • Đầu tiên, bác sĩ nhãn khoa sẽ sử dụng thiết bị chụp ảnh LipiView để kiểm tra tuyến Meibomian. Điều này sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán. 
  • Nếu chẩn đoán rối chức năng tuyến Meiboian, có thể sử dụng liệu pháp xung nhiệt với công nghệ LipiFlow trong 12 -15 phút. Trước khi bắt đầu, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc nhỏ gây tê (loại thuốc thường được sử dụng khi khám mắt) để giúp giảm bớt mọi khó chịu tiềm ẩn khi thực hiện thủ thuật.  
  • Tiếp theo, các chất kích hoạt của hệ thống - các thiết bị vô trùng hình vòm, dùng một lần - được đặt lên mắt. Hình dạng hình vòm của chúng giúp bảo vệ giác mạc trong quá trình điều trị, tập trung vào mí mắt bên trong, nơi có tuyến Meibomian.

Theo nghiên cứu, điều trị khô mắt bằng phương pháp LipiFlow giúp tăng chức năng tiết dầu của tuyến Meibomian lên gấp 03 lần chỉ sau 01 lần điều trị. Đối với hầu hết các người bệnh, chỉ một lần điều trị có thể duy trì hiệu quả kéo dài 12 tháng.

Để nhận biết chính xác tình trạng mắt và phương pháp điều trị phù hợp, quý khách vui lòng liên hệ tới Bệnh viện Mắt Alina tại địa chỉ MMS 10-11-12, Khu biệt thự Mimosa, Ecopark, Hưng Yên để thăm khám hoặc liên hệ hotline 0866.224.883 để được hỗ trợ.

0866 224 883 Tìm bệnh viện Đặt lịch khám