Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi BS Nguyễn Thị Mai Phương, Bác sĩ Nhãn khoa Bệnh viện chuyên khoa Mắt Alina.
Cận thị là tật khúc xạ rất phổ biến. Dự kiến đến 2050, cứ 2 người có 1 người bị cận thị (50%). Mắt cận thị có độ dài trục nhãn cầu lớn hơn bình thường hoặc giác mạc cong hơn. Điều này làm cho chúng ta không nhìn rõ các vật ở xa.
1. Mục đích của việc kiểm soát cận thị
Sự phát triển của mắt ở trẻ em diễn ra nhanh chóng trong vài năm đầu tiên và sau đó sẽ tiếp tục chậm hơn cho đến khoảng 12 tuổi thì quá trình này sẽ dừng lại. Khi bị cận thị, sự phát triển của mắt ở trẻ em diễn ra quá nhanh và có thể tiếp tục cho đến cuối tuổi thiếu niên hoặc thậm chí xa hơn.
Mối lo ngại về tình trạng cận thị ngày càng gia tăng ở trẻ em là khi trục nhãn cầu ngày càng dài ra, điều này sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về mắt và suy giảm thị lực về sau. Chính vì vậy, việc kiểm soát cận thị được đặt ra nhằm mục tiêu là giảm sự tiến triển của cận thị để mức độ cận thị cuối cùng của một người thấp hơn so với mức độ cận thị nếu không điều trị.
Các phương pháp điều trị kiểm soát cận thị phổ biến hiện nay bao gồm sử dụng kính áp tròng ban đêm Ortho - K và nhỏ thuốc Atropine nồng độ thấp kết hợp đeo kính gọng.
2. Đo lường tiến triển cận thị
Sự tiến triển của cận thị theo thời gian được đo bằng cách đánh giá sự thay đổi về khúc xạ (độ cận) và/hoặc chiều dài trục nhãn cầu của mắt.
Khúc xạ hay độ cận (độ Diop) của kính đeo mắt hoặc kính áp tròng mà trẻ cần để nhìn rõ. Điều này được đo ở mỗi lần khám mắt.
Độ cận chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khác trong đó bao gồm công suất giác mạc, công suất thể thuỷ tinh, độ dài trục nhãn cầu. Vì thế độ cận không thể phản ánh hoàn toàn độ dài trục nhãn cầu.
Phép đo chiều dài trục nhãn cầu có thể nhạy hơn tới 10 lần để phát hiện những thay đổi trong cận thị so với khúc xạ, khi đo bằng dụng cụ sinh trắc học quang học. Hiện nay có nhiều cách để đo trục nhãn cầu, như siêu âm A tiếp xúc, siêu âm A nhúng, siêu âm B, IOL masters,...
Nhiều nghiên cứu đã tìm ra sự tương quan giữa sự thay đổi chiều dài trục nhãn cầu và sự thay đổi khúc xạ. Trong nghiên cứu về độ hiệu quả của kính Misight trong việc kiểm soát cận thị, người ta thấy cứ 1mm độ dài trục nhãn cầu tăng, tương đương với 2.40D độ cận tăng. Hay trong nghiên cứu BLINK, 1mm độ dài trục nhãn cầu tương ứng với 1.63D độ cận đối với nhóm sử dụng kính thông thường
Vì những lý do này, việc làm chậm sự phát triển trục của mắt là mục tiêu chính của việc kiểm soát cận thị và là thước đo tiêu chuẩn vàng trong các nghiên cứu về phương pháp điều trị kiểm soát cận thị.
3. Độ dài trục nhãn cầu và mối liên hệ trực tiếp với biến chứng tại đáy mắt
Chiều dài trục nhãn cầu là yếu tố liên quan trực tiếp đến nguy cơ xuất hiện các biến chứng tại đáy mắt như thoái hóa võng mạc chu biên, bong rách võng mạc,…
Nhãn cầu thường ổn định sau 12 tuổi, với độ dài trung bình ở nam là 23.5mm và 23mm ở nữ, thường có sự thay đổi từ 0.1 - 0.2mm khi trẻ đi học, và thay đổi ít hơn khi trẻ hơn 10 tuổi, chỉ còn dưới 0.1mm mỗi năm. Khi trục nhãn cầu càng dài hơn so với mức trung bình, thì nguy cơ có biến chứng tại đáy mắt lại càng tăng cao.
Theo đó, chiều dài trục nhãn cầu từ 26mm - 30mm sẽ tăng nguy cơ có biến chứng tại đáy mắt lên hơn 25%, và nguy cơ này tăng một cách đột biến lên hơn 90% với độ dài trục nhãn cầu lớn hơn 30mm. Ngoài ra, nguy cơ suy giảm thị lực ở người có độ dài trục nhãn cầu hơn 28mm sẽ gấp 11 - 24 lần so với người có độ dài dưới 24mm.
4. Độ dài trục nhãn cầu và hiệu quả kiểm soát cận thị
Mục tiêu trong kiểm soát cận thị là độ dài trục nhãn cầu dưới 26mm để hạn chế tối đa những nguy cơ về sức khoẻ mắt. Ngoài ra, tốc độ thay đổi độ dài trục nhãn cầu cũng là yếu tố cần được đánh giá.
Độ dài trục nhãn cầu vẫn sẽ có sự thay đổi nhỏ trong quá trình phát triển của trẻ, thông thường độ dài sẽ có sự thay đổi khoảng 0.1 - 0.2mm mỗi năm. Và đây cũng là một phần trong việc đánh giá hiệu quả của phương pháp kiểm soát cận thị.
Với các bạn sử dụng Ortho-K (Kính áp tròng ban đêm kiểm soát cận thị), đo độ dài trục nhãn cầu là cách tối ưu nhất trong theo dõi hiệu quả của kính, khi mà tật khúc xạ của trẻ còn phụ thuộc nhiều vào hình thái và tác dụng chỉnh quang của kính với từng bé.
5. Tổng kết
Trong kiểm soát cận thị, việc không thể đánh giá chiều dài trục nhãn cầu là một thiếu sót lớn. Theo hướng dẫn Quản lý Lâm sàng của Viện Cận thị Quốc tế (IMI) khuyến nghị nên thực hiện đo chiều dài trục sáu tháng một lần nếu có thể. Tuy nhiên, nếu bệnh cận thị tiến triển nhanh hơn, có thể rút ngắn thời gian xem xét xuống còn 3 tháng.
Khách hàng có thể trực tiếp đến Bệnh viện chuyên khoa Mắt Alina tại địa chỉ MMS 10-11-12, Khu biệt thự Mimosa, Ecopark, Hưng Yên để thăm khám hoặc liên hệ hotline 0866.224.883 để được hỗ trợ.