Bảo vệ sức khỏe mắt trong dịp Tết và những điều cần lưu ý

20/02/2024

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi BSCKI Hoàng Thị Hạnh, Bác sĩ Nhãn khoa Bệnh viện Mắt Alina.

Mắt là một bộ phận quan trọng của cơ thể, và trong dịp Tết khi chúng ta thường dành nhiều thời gian trò chuyện, thưởng thức đồ ăn và tham gia các hoạt động ngoài trời, việc chăm sóc mắt trở nên cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, Tết cũng là thời điểm mà một số bệnh lý mắt có thể trở nên phổ biến hơn do các yếu tố như ánh sáng, ô nhiễm không khí và thậm chí là thói quen ăn uống. Dưới đây là một số điều cần lưu ý để bảo vệ sức khỏe mắt trong dịp Tết. 

Bảo vệ mắt trong dịp Tết

1. Chấn thương mắt

1.1. Chấn thương do tai nạn sinh hoạt

Những ngày Tết, gia đình nào cũng có vô số thứ để dọn dẹp trang trí, vì thế tai nạn trong nhà, trong sinh hoạt sẽ rất nhiều nếu không chú ý. Với nhiều người Việt, cành đào, cây quất và một vài loại cây cảnh khác là linh hồn của ngày Tết. Thế nhưng, chúng ẩn chứa trong đó những mối nguy hiểm, đó là những bóng đèn nhấp nháy, những nhánh đào vươn ra cũng có thể nguy hiểm cho mắt.

1.2. Chấn thương trong khi đi chơi thể thao, dã ngoại, du lịch

Tết là dịp nghỉ lễ dài ngày. Nhiều người chọn các môn thể thao hay du lịch, dã ngoại làm thú vui. Chấn thương mắt khi chơi thể thao là nguyên nhân phổ biến gây mù lòa vĩnh viễn vì những tương tác khi chơi thể thao là rất mạnh. Nếu không bảo vệ mắt đúng cách khi tham gia những môn thể thao như bóng rổ, bóng đá cũng như những môn thể thao dưới nước và những môn có dùng vợt bạn có thể gặp phải những chấn thương nghiêm trọng về mắt.

Phong trào cầu lông nghiệp dư trong các công sở, nhà trường, phường xóm ngày càng phát triển. Tai nạn về mắt do vậy cũng tăng tương ứng.

1.3. Chấn thương do tai nạn giao thông

Tần suất tham gia giao thông tăng đột biến vào dịp Tết, rượu bia, vội vàng và thiếu quan sát là nguyên nhân của vô số tai nạn mắt, phần lớn là tai nạn xe máy, kể cả có đội mũ và không đội mũ bảo hiểm. Tương tác lực quá mạnh trong tai nạn xe máy là nguyên nhân mù lòa của nhiều bệnh nhân trẻ rất đáng tiếc.

1.4. Chấn thương do pháo nổ

Pháo hoa có thể được quảng cáo như đồ chơi vào dịp lễ Tết. Bạn có thể nghĩ suy đoán chủ quan là mình biết cách xử lý chúng một cách an toàn. Thế nhưng chơi với pháo hoa có thể làm bạn hoặc người thân của bạn lâm cảnh mù lòa, vì vậy hãy để pháo hoa cho những người chuyên nghiệp sử dụng. Ủy ban an toàn sản phẩm tiêu dùng Mỹ cho biết 15% thương tích do pháo hoa gây ra là thương tích ở mắt. 

 

Chấn thương mắt do pháo nổ

Trẻ em và thanh niên là nạn nhân thường xuyên. Theo báo cáo của Ủy ban này, trẻ em từ 15 tuổi trở xuống chiếm 36% tổng số thương tích. Và ½  số ca chấn thương cần đến phòng cấp cứu là của những người từ 20 tuổi trở xuống.

Pháo hoa nguy hiểm vì chúng cháy ở hơn 1.000 độ C. Những người bị thương do pháo hoa không nhất thiết phải là người vận hành cuộc chơi. Trên thực tế, 65 % số người bị thương do pháo hoa là đi xem bắn pháo hoa.

Chấn thương mắt liên quan đến pháo hoa có thể kết hợp chấn thương do vật tù, bỏng nhiệt và tiếp xúc với hóa chất. Một khi chấn thương mắt do pháo hoa xảy ra thì đó phải được coi là một trường hợp cấp cứu y tế. Nạn nhân nên được:

  • Chăm sóc y tế ngay lập tức
  • Đừng dụi mắt
  • Đừng tự rửa mắt
  • Không nên đè ép vào mắt
  • Không tự loại bỏ dị vật bị kẹt trong mắt
  • Không bôi thuốc mỡ hoặc uống bất kỳ loại thuốc giảm đau làm loãng máu nào như aspirin hoặc ibuprofen trừ khi có chỉ định của bác sĩ

Chấn thương mắt chủ yếu chia làm 2 loại chính: chấn thương kín và vết thương hở nhãn cầu. Các tổn thương có thể từ nhẹ đến nặng: tụ máu máu mi mắt, tụ máu hốc mắt, vết thương mi mắt - lệ đạo, xuất huyết kết mạc, rách kết mạc, trầy giác mạc, rách giác mạc, chấn thương đụng dập nhãn cầu, dị vật nội nhãn, vết thương xuyên nhãn cầu, vỡ nhãn cầu,…. cần được sơ cứu đúng cách và điều trị kịp thời (nội khoa, phẫu thuật) tại các bệnh viện chuyên khoa mắt để giảm hậu quả xuống thấp nhất.

Nếu không may tai nạn xảy ra không nên vội vã, làm bừa. Chúng ta nên nhớ mấy nguyên tắc sau đây khi sơ cứu cho bản thân và người thân nếu chẳng may bị tai nạn mắt:

  • Không nên ấn đè mạnh hay day dịt vết thương ở mắt
  • Không nên cố gắng tự lấy dị vật đang ở trên mắt
  • Bị chất lỏng vào mắt gây bỏng nên rửa mắt dưới vòi nước khoảng 15 phút
  • Không tự tra nhỏ thuốc hay tra thuốc mỡ vào mắt
  • Với vết thương có chảy máu chỉ nên băng che, vết thương có sưng nề và bầm tím có thể đắp đá hoặc nước lạnh
  • Nếu bị bụi vào mắt có thể nhúng mắt vào bát hoặc cốc nước, mở mắt to và chớp mắt để bụi trôi ra.
  • Khám mắt ở cơ sở chuyên khoa gần nhất

2. Viêm kết mạc dị ứng

Đầu năm là khoảng thời gian phù hợp cho những chuyến đi xa, giải trí, du lịch. Tuy nhiên, đây cũng là lúc “cửa sổ tâm hồn” dễ bị tổn thương bởi các tác nhân gây hại như độ ẩm quá cao (trên 90%), virus, nấm mốc sinh sôi và các dị nguyên như phấn hoa, lông côn trùng lơ lửng trong không khí. Ngoài ra, đường phố ngày Tết đông người qua lại và các phương tiện lưu thông dày đặc cũng góp phần làm giảm sức đề kháng, dẫn đến các bệnh dị ứng mắt. Sử dụng kính áp tròng không đúng cách, thiếu vệ sinh,…

Biểu hiện: mắt đỏ, cộm, ngứa, mắt có ghèn (dử mắt)…

Bạn cần đến cơ sở chuyên khoa mắt để được khám và điều trị đúng và hiệu quả. Rửa mắt và chườm lạnh có thể làm giảm bớt đỏ và ngứa mắt.

Viêm kết mạc dị ứng

3. Ngộ độc rượu

Lạm dụng rượu bia có thể gây hại cho mắt, có thể gây ra tình trạng nhìn mờ, lóa, giảm khả năng điều tiết, giảm nhận biết chiều sâu, có thể gây ra nhìn đôi,…

Nhu cầu sử dụng bia rượu trong các cuộc liên hoan cuối năm có xu hướng gia tăng trong dịp Tết Nguyên Đán, thế nhưng đi cùng với đó là tình trạng sử dụng rượu tự pha chế không rõ nguồn gốc dẫn tới ngộ độc, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Đa số bệnh nhân cấp cứu ngộ độc methanol trong tình trạng nguy kịch. Trong đó, đã có nhiều trường hợp bị mù mắt vì ngộ độc cồn công nghiệp methanol. Bệnh gây tổn thương thần kinh thị giác, khả năng phục hồi rất khó khăn.

 

Ngộ độc rượu bia

Khách hàng có thể trực tiếp đến Bệnh viện Mắt Alina tại địa chỉ MMS 10-11-12, Khu biệt thự Mimosa, Ecopark, Hưng Yên để thăm khám hoặc liên hệ hotline 0866.224.883 để được hỗ trợ. 

0866 224 883 Tìm bệnh viện Đặt lịch khám