Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Đàm Văn Quý, Bác sĩ Nhãn khoa Bệnh viện Mắt Alina.
Bên cạnh các tật khúc xạ như cận, viễn, loạn thị; nhược thị cũng là tình trạng phổ biến và được nhiều phụ huynh quan tâm khi có con nhỏ. Để hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh nhược thị, ba mẹ hãy đọc bài viết dưới đây để bảo vệ thị lực kịp thời cho con trẻ.
Bệnh lý nhược thị
1. Nhược thị là gì?
Nhược thị (còn gọi là mắt lười) là tình trạng thị lực kém, thường xảy ra ở một bên mắt. Điều này xảy ra khi sự liên kết giữa não bộ và mắt bị phá vỡ và não không thể nhận ra tín hiệu từ một bên mắt. Lâu dài, não bộ sẽ lệ thuộc vào mắt còn lại, mắt khỏe hơn – trong khi đó mắt yếu hơn sẽ ngày càng kém đi.
Gọi là mắt lười vì mắt khỏe còn lại làm việc tốt hơn. Tuy nhiên, điều này không phải vì người nhược thị bị lười mà do họ không thể kiểm soát được cách thức làm việc của mắt.
Nhược thị xảy ra ở trẻ nhỏ và là nguyên nhân mất thị lực hàng đầu ở lứa tuổi này. Tỉ lệ mắc nhược thị khoảng 3/100. Tuy nhiên nếu được điều trị sớm và đúng thì có thể cải thiện được thị lực cho trẻ.
2. Triệu chứng của nhược thị
Triệu chứng của nhược thị đôi khi khó để nhận biết. Trẻ bị nhược thị có thể giảm cảm nhận về không gian xung quanh khi không nhận biết được vật ở xa hay gần trẻ. Phụ huynh có thể chú ý đến những dấu hiệu khác như:
- Lác
- Nhìn bằng 1 bên mắt
- Nghiêng đầu
Trong nhiều trường hợp, bố mẹ không biết trẻ bị nhược thị cho đến khi được bác sĩ khám và chẩn đoán. Chính vì vậy, trẻ cần được khám mắt ít nhất một lần trong độ tuổi từ 3 đến 5.
Triệu chứng của nhược thị
3. Trẻ nào có nguy cơ bị nhược thị?
Một số trẻ bị nhược thị ngay khi sinh ra, một số khác thì bị nhược thị trong quá trình phát triển. Những trẻ sau đây có nguy cơ cao mắc nhược thị:
- Sinh non
- Trẻ nhẹ cân khi sinh
- Tiền sử gia đình có người bị nhược thị, đục thủy tinh thể bẩm sinh và các bệnh lý khác tại mắt
- Trẻ bị khuyết tật
4. Nguyên nhân của bệnh nhược thị
Trong nhiều trường hợp, bác sĩ không thể xác định được nguyên nhân của nhược thị. Thông thường, não bộ sẽ nhận tín hiệu dẫn truyền thần kinh thị giác từ cả hai mắt. Tuy nhiên nếu một mắt có thị lực kém hơn mắt còn lại, não bộ có thể bắt đầu không tiếp nhận tín hiệu từ mắt đó và chủ yếu nhận tín hiệu từ mắt khỏe hơn.
Một số tình trạng tại mắt có thể dẫn đến nhược thị như:
- Tật khúc xạ: Bao gồm các tật khúc xạ phổ biến như cận thị, viễn thị và loạn thị. Bình thường, vấn đề này có thể điều chỉnh dễ dàng bằng kính gọng hoặc kính áp tròng. Tuy nhiên nếu không được điều trị, não bộ sẽ bắt đầu phụ thuộc vào mắt khỏe hơn.
- Lác: Thông thường, hai mắt sẽ vận động phối hợp nhịp nhàng với nhau. Nếu trẻ bị lác, hai mắt sẽ không thẳng hàng. Một mắt có thể vào trong, ra ngoài, lên trên, xuống dưới bất thường.
- Đục thủy tinh thể: Thường hay xảy ở người lớn tuổi, tuy nhiên vẫn có thể xảy ra ở trẻ nhỏ, gây nhìn mờ và dẫn đến nhược thị.
5. Chẩn đoán nhược thị
Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và tìm các dấu hiệu của nhược thị ở trẻ, nhất là khi có sự khác biệt và thị lực giữa hai mắt.
Đối với trẻ nhỏ chưa biết nói, bác sĩ có thể che từng mắt của trẻ và quan sát sự vận động mắt của trẻ khi nhìn theo các vật. Ngoài ra, bác sĩ sẽ quan sát phản ứng của trẻ khi bị che từng bên mắt. Nếu trẻ bị nhược thị ở một bên mắt và bị che mắt còn lại, trẻ có thể cố nhìn lên phía trên hoặc dưới miếng che mắt, gạt tay hoặc òa khóc.
Trẻ sẽ được thăm khám toàn diện để tìm ra nguyên nhân của nhược thị.
Mắt kém hơn không phải luôn là mắt nhược thị. Trong một số trường hợp, đeo kính có thể khắc phục được tật khúc xạ và cải thiện thị lực.
Chẩn đoán nhược thị
6. Điều trị nhược thị như thế nào?
Nếu nhược thị do nguyên nhân tại mắt, trước tiên bác sĩ sẽ khuyên đeo kính gọng hoặc áp tròng (nếu trẻ bị tật khúc xạ) hoặc phẫu thuật (nếu trẻ bị đục thủy tinh thể).
Tiếp theo sẽ tập cho não bộ sử dụng mắt bị nhược thị (mắt kém hơn). Khi đó, mắt nhược thị sẽ được cải thiện về thị lực. Các phương pháp bao gồm:
- Bịt mắt khỏe hơn: Bằng cách dùng miếng che mắt cho mắt khỏe hơn, não bộ phải sử dụng mắt bị nhược thị để nhìn. Thời gian che mắt từ 2 đến 6 tiếng một ngày tùy thuộc mức độ nhược thị của trẻ.
- Nhỏ thuốc đặc biệt vào mắt khỏe hơn: Nhỏ Atropine vào mắt khỏe để tạm thời làm giảm thị lực, bắt buộc não bộ phải sử dụng mắt còn lại – mắt nhược thị. Phương pháp này có thể dễ áp dụng hơn vì một số trẻ khó chịu, kéo miếng bịt mắt.
Thị lực của trẻ có thể được cải thiện sau điều trị vài tuần. Để đạt được hiệu quả tốt nhất có thể mất nhiều tháng. Sau đó, trẻ có thể vẫn cần duy trì điều trị để tránh nhược thị quay trở lại.
Khi trẻ càng lớn thì điều trị càng khó cải thiện thị lực, nguy cơ mất thị lực vĩnh viễn. Chính vì vậy, điều quan trọng nhất đối với trẻ bị nhược thị là cần điều trị càng sớm càng tốt.
Để nhận biết chính xác tình trạng mắt và phương pháp điều trị phù hợp, quý khách vui lòng liên hệ tới Bệnh viện Mắt Alina tại địa chỉ MMS 10-11-12, Khu biệt thự Mimosa, Ecopark, Hưng Yên để thăm khám hoặc liên hệ hotline 0866.224.883 để được hỗ trợ.