Giác mạc hình chóp có nguy hiểm không? Chẩn đoán và cách điều trị giác mạc hình chóp

18/10/2023

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi BS Đàm Văn Quý, Bác sĩ Nhãn khoa Bệnh viện chuyên khoa Mắt Alina.

Giác mạc hình chóp (Keratoconus) là tình trạng phần giác mạc của mắt (phần trong suốt nằm ở phía trước mắt) trở nên mỏng hơn và dần dần lồi về phía trước tạo thành hình chóp. Cùng Trung tâm Mắt Vinmec-Alina đi tìm hiểu chi tiết về chủ đề ngày hôm nay. 

1. Giác mạc hình chóp là gì?

Giác mạc hình chóp (hay Keratoconus) là tình trạng phần giác mạc của mắt (phần trong suốt nằm ở phía trước mắt) trở nên mỏng hơn và dần dần lồi về phía trước tạo thành hình chóp. Giác mạc hình chóp gây ra tình trạng nhìn mờ, có thể chói lóa, nhạy cảm với ánh sáng.

Bệnh thường gặp ở cả hai mắt, tuy nhiên có thể một mắt có thể bị nặng hơn. Bệnh thường khởi phát ở giữa độ tuổi thiếu niên và tuổi 30. Tình trạng này thường tiến triển chậm trong vòng 10 năm hoặc lâu hơn.

Hiện nay vẫn chưa rõ về nguyên nhân của bệnh lý giác mạc hình chóp, tuy nhiên yếu tố di truyền và môi trường được cho là có liên quan. Khoảng 1/10 người bị giác mạc hình chóp có bố mẹ bị tình trạng tương tự.

2. Yếu tố nguy cơ của giác mạc hình chóp

  • Tiền sử gia đình có người bị giác mạc hình chóp
  • Dụi mắt nhiều
  • Tiếp xúc nhiều với môi trường bụi bẩn, nhiều tia cực tím gây các bệnh lý dị ứng tại mắt.
  • Có các bệnh lý như võng mạc sắc tố, hội chứng Down, hội chứng Ehlers-Danlos, hội chứng Mafan, hen suyễn …

3. Chẩn đoán giác mạc hình chóp như thế nào?

Để chẩn đoán bệnh giác mạc hình chóp, bác sĩ sẽ hỏi tiền sử bệnh lý của bạn và gia đình, sau đó tiến hành thăm khám mắt. Các phương pháp thăm khám bao gồm:

  • Đo khúc xạ mắt: Thường hay gặp ở bệnh nhân có loạn thị, có thể kèm cận thị

 

  • Khám mắt bằng sinh hiển vi: Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng giác mạc và các vấn đề liên khác tại mắt.
  • Chụp bản đồ giác mạc, đo địa hình giác mạc: Phương pháp này cho phép miêu tả chi tiết hình dáng, chiều dày của giác mạc, giúp chẩn đoán sớm tình trạng giác mạc hình chóp trước khi mà tình trạng này có thể phát hiện trên máy sinh hiển vi.

4. Điều trị giác mạc hình chóp như thế nào?

Điều trị bệnh lý giác mạc hình chóp tùy thuộc vào mức độ nặng của và tốc độ diễn biến của bệnh. Thông thường, có 2 mục đích khi điều trị: làm chậm diễn biến của bệnh và cải thiện thị lực:

  • Nếu bệnh lý giác mạc hình chóp tiến triển, phương pháp liên kết chéo collagen giác mạc (Cross-linking) có thể được chỉ định để làm chậm hoặc ngăn chặn tình trạng xấu đi. Phương pháp này giúp ổn định cấu trúc giác mạc, có thể giúp giảm tình trạng lồi của giác mạc và giúp nhìn rõ hơn với kính. Ngoài ra, phương pháp này cũng có thể giúp bạn tránh phải làm ghép giác mạc trong tương lai.

  • Cải thiện thị lực phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh. Giai đoạn bệnh nhẹ đến trung bình có thể sử dụng kính gọng hoặc kính áp tròng. Phương pháp này có thể dùng lâu dài, đặc biệt khi giác mạc ổn định, không tiến triển.
  • Ở một số người bệnh diễn biến nặng, giác mạc bị tổn thương nghiêm trọng thì phương pháp ghép giác mạc sẽ được chỉ định.

5. Tổng kết

Như vậy, giác mạc hình chóp là bệnh lý mắt tương đối nguy hiểm, có thể gây mất thị lực vĩnh viễn mặc dù diễn tiến chậm. Do đó, khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh giác mạc hình chóp cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa về mắt để tiến hành thăm khám và điều trị kịp thời.

Khách hàng có thể trực tiếp đến Bệnh viện chuyên khoa Mắt Alina tại địa chỉ MMS 10-11-12, Khu biệt thự Mimosa, Ecopark, Hưng Yên để thăm khám hoặc liên hệ hotline 0866.224.883 để được hỗ trợ.

0866 224 883 Tìm bệnh viện Đặt lịch khám