Viêm kết mạc mùa xuân: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

19/02/2024

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi BS Nguyễn Thị Mai Phương, Bác sĩ Nhãn khoa Bệnh viện Mắt Alina.

Viêm kết giác mạc mùa xuân là tình trạng viêm dị ứng tái phát ở kết mạc. Các đợt bệnh thường mang tính định kỳ và tái phát theo mùa với tỷ lệ mắc cao nhất vào mùa xuân và mùa hè. Theo thời gian, tình trạng này có xu hướng trở nên lâu năm. Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến các bé trai và khởi phát thường là từ khoảng 5 tuổi trở đi. Có sự thuyên giảm ở tuổi vị thành niên muộn trong 95% trường hợp.

Bệnh viêm kết mạc mùa xuân là gì?

1. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ của viêm kết mạc mùa xuân

Bệnh viêm kết mạc mùa xuân xảy ra do phản ứng của cơ thể với dị nguyên, như phấn hoa và lông thú nuôi. Dị nguyên là những chất có tính kháng nguyên, khi xâm nhập vào cơ thể có các yếu tố cơ địa dị ứng sẽ sinh ra các kháng thể và các phản ứng quá mẫn cảm, biểu hiện bệnh lý ở một hay nhiều cơ quan.

Viêm kết mạc mùa xuân là tình trạng viêm do dị ứng nên thường xảy ra trên người có yếu tố nguy cơ như: 

  • Nam, từ 5 tuổi đến thanh thiếu niên
  • Có tiền sử bản thân hoặc tiền sử gia đình bị dị ứng
  • Có thể mắc các bệnh lý như hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa
  • Viêm kết mạc mùa xuân cũng có liên quan mật thiết với sự thay đổi thời tiết lúc giao mùa (nhất là xuân hè), ánh nắng

2. Triệu chứng của viêm kết mạc mùa xuân

Người bị viêm kết mạc mùa xuân có thể xuất hiện các triệu chứng sau:

  • Ngứa mắt: Cảm giác ngứa dữ dội là triệu chứng điển hình của bệnh viêm kết mạc mùa xuân.
  • Tiết dịch nhầy: dịch nhầy trong suốt, có thể dính mi mắt 
  • Sưng mi mắt: Sưng mi mắt phổ biến hơn với bệnh đau mắt đỏ do vi khuẩn và dị ứng như viêm kết mạc mùa xuân.
  • Cảm giác có dị vật trong mắt: Người bệnh có thể nhận thấy một cảm giác khó chịu như có gì đó mắc kẹt trong mắt hoặc cảm giác như có cát trong mắt
  • Đỏ mắt
  • Dử mắt: Dử mắt nhiều, có đặc điểm dính, dai và có thể kéo thành sợi
  • Chảy nước mắt
  • Khi lộn mi có những hạt lớn kích thước trên 1mm nằm sát nhau, có nhú gai thấy mạch máu ở đỉnh hoặc là những nốt màu trắng như sữa gần tròng đen
  • Sợ ánh sáng, có thể có giảm thị lực 
  • Bệnh xảy ra ở 2 mắt, có tính chất tái đi tái lại và tái phát theo mùa. 

Triệu chứng của viêm kết mạc mùa xuân

Các triệu chứng được liệt kê ở trên cũng là triệu chứng của các bệnh về mắt khác. Thỉnh thoảng mắt bị ngứa hoặc đỏ nhưng không phải lúc nào cũng đáng lo ngại. Tuy nhiên người bệnh nên liên hệ với bác sĩ ngay nếu mắt đỏ kéo dài vài ngày, kèm theo đau mắt hoặc thay đổi thị lực.

3. Chẩn đoán viêm kết mạc mùa xuân như thế nào?

Bệnh viêm kết mạc mùa xuân có thể chẩn đoán thông qua việc thăm khám, phát hiện các triệu chứng lâm sàng như 

  • Ngứa mắt, cộm mắt, chảy nước mắt, dử mắt dai dính.
  • Nhú viêm hình đa giác trên kết mạc sụn mi trên, viêm kết mạc vùng rìa

Xét nghiệm cận lâm sàng có thể thực hiện: Xét nghiệm tế bào học chất nạo kết mạc sụn mi trên có bạch cầu ái toan..

4. Điều trị viêm kết mạc mùa xuân

Nguyên tắc điều trị bệnh viêm kết giác mạc mùa xuân là điều trị triệu chứng tại mắt bằng các loại thuốc chống dị ứng, chống viêm kết hợp với điều trị chuyên khoa dị ứng.

  • Loại bỏ các tác nhân gây dị ứng là phương pháp điều trị đầu tiên
  • Chườm lạnh: giúp làm dịu cơn ngứa, giảm đau
  • Điều trị triệu chứng: Các triệu chứng viêm có thể điều trị bằng thuốc nhỏ mắt như thuốc chống dị ứng kháng histamin, thuốc ổn định tế bào mast, thuốc chống viêm steroid, kháng sinh nếu có bội nhiễm vi khuẩn. Đối với những trường hợp bệnh hay tái phát, việc điều trị chống viêm nên lựa chọn thuốc không có steroid như thuốc điều hòa miễn dịch cyclosporin. Tăng cường dinh dưỡng bề mặt nhãn cầu bởi các loại nước mắt là điều cần thiết, giúp làm dịu các triệu chứng và giảm khô mắt. 
  • Điều trị toàn thân có thể cần thiết đối với một số bệnh nhân mắc bệnh VKC. Những điều này có thể đặc biệt hữu ích ở những bệnh nhân có tiền sử bệnh dị ứng liên quan như viêm da dị ứng hoặc hen suyễn.

Điều trị viêm kết mạc mùa xuân

Bệnh viêm kết mạc mùa xuân thường hay tái phát và cần điều trị kiên trì. Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào mức độ viêm và tổn thương tại mắt. Vì vậy, người bệnh không nên tự ý dùng thuốc, đặc biệt không nên sử dụng thuốc theo đơn cũ, mà cần đi khám để được bác sĩ nhãn khoa thăm khám và điều trị, tránh dẫn đến những biến chứng không mong muốn.

5. Tiến triển và biến chứng

5.1. Tiến triển

  • Bệnh hay có những đợt kịch phát dù có điều trị liên tục.
  • Một số trường hợp bệnh có thể thuyên giảm khi bệnh nhân đến tuổi dậy thì.

5.2. Biến chứng

  • Tổn thương giác mạc: viêm giác mạc, loét giác mạc, loét thủng giác mạc, sẹo giác mạc.
  • Biến chứng do dùng thuốc có Corticoid: tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể.

6. Phòng bệnh viêm kết mạc mùa xuân

Bệnh viêm kết mạc mùa xuân không thể tránh hoàn toàn được nhưng có thể phòng ngừa và hạn chế việc làm bùng phát bệnh bằng các lưu ý sau:

  • Nếu có cơ địa dị ứng cần hạn chế tối đa tiếp xúc với dị nguyên có thể gây dị ứng (bụi, phấn hoa, lông vật nuôi…).
  • Vệ sinh cá nhân sạch sẽ và không đưa tay bẩn dụi lên mắt
  • Vệ sinh nhà cửa, vị trí làm việc sạch sẽ để hạn chế bụi,
  • Không cắm, trồng quá nhiều hoa trong nhà, nhất là trong thời gian đang xảy ra dị ứng thì nên cách ly với phấn hoa.
  • Nên đeo kính khi đi đường để hạn chế bụi bay vào mắt
  • Tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

Phòng bệnh viêm kết mạc mùa xuân

Viêm kết mạc mùa xuân mang đến nhiều phiền toái cho người bệnh và ảnh hưởng xấu đến công việc cũng như chất lượng cuộc sống. Vì vậy, cần tuân thủ hướng dẫn điều trị đúng cách của bác sĩ để giảm khó chịu cho mắt, đẩy nhanh quá trình phục hồi và tránh những biến chứng nguy hại. 

Khách hàng có thể trực tiếp đến Bệnh viện Mắt Alina tại địa chỉ MMS 10-11-12, Khu biệt thự Mimosa, Ecopark, Hưng Yên để thăm khám hoặc liên hệ hotline 0866.224.883 để được hỗ trợ. 

0866 224 883 Tìm bệnh viện Đặt lịch khám